An toàn vệ sinh nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc - bài toán chưa có hồi kết

03/11/2009

AGROINFO – ATVSTP với hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc đang là vấn đề đáng lo ngại, là mối quan tâm hàng đầu của đông đảo người tiêu dùng trong thời gian gần đây. Đề tài khoa học “Nghiên cứu thực trạng về quản lý chất lượng, công tác vệ sinh an toàn một số nông sản nhập khẩu chính từ Trung Quốc” nhằm đưa ra cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng quản lý chất lượng và VSAT với mặt hàng này.

Bối cảnh nghiên cứu của đề tài

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang từ một nước xuất siêu nông sản sang Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu nông sản từ nước này. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2008, nước ta nhập siêu từ Trung Quốc 13.4 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Theo ước tính, cả năm có thể lên đến trên dưới 17 tỷ USD. Với hàng rau quả, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng từ 30.9 triệu USD năm 2001 lên 80.2 triệu USD năm 2005.

Có 5 nguyên nhân chính để đưa Việt Nam trở thành quốc gia nhập siêu các sản phẩm nông sản từ Trung Quốc:

Thứ nhất, chúng ta đang thực hiện biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của nước ta trong khuôn khổ các cam kết khu vực Mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) từ 1/1/2005.

Thứ hai, Việt Nam đang thực hiện cắt giảm thuế nhanh đối với một số mặt hàng nông sản từ Chương 1 đến chương 8 của Biểu thuế nhập khẩu trong Chương trình Thu hoạch sớm. Nội dung cụ thể như sau:

Với danh mục thông thường, Việt Nam phải cắt giảm thuế xuống 0% từ 1/1/2004 đến 1/1/2008. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, từ năm 2008, với việc hưởng thuế suất 0% của hầu hết các mặt hàng từ chương 1 đến chương 8 thì hàng hoá nhập khẩu giá rẻ từ các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam càng nhiều hơn. Đặc biệt, theo dự báo, sẽ có làn sóng hàng hoá của Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam một cách ồ ạt, nhất là các mặt hàng nông sản nằm trong biểu thuế ưu đãi như: động vật sống, thịt và phụ phẩm thịt động vật sau giết mổ, cá và động vật thân mềm, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau, củ và quả…

Thứ ba, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng đáng kể đến việc xuất khẩu của quốc gia này:

- Xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu bị sụt giảm mạnh, buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam.

- Trung Quốc có sự điều chỉnh tăng tỷ giá NDT/USD mạnh để hỗ trợ xuất khẩu. Tốc độ giảm giá so với GDP của nhân dân tệ lớn hơn tốc độ giảm giá của VND so với USD, nên VND sẽ lên giá so với nhân dân tệ. Điều này càng làm cho hàng hoá của Trung Quốc có điều kiện thuận lợi để tràn vào Việt Nam.

- Trung Quốc giảm mạnh thuế xuất khẩu, một số mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng được bán tại Việt Nam còn rẻ hơn mức giá bán ở Trung Quốc

Thứ tư, do nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng nhiều và đa dạng, rau quả Trung Quốc lại càng có xu hướng gia tăng vào thị trường Việt Nam. Các mặt hàng này đa dạng, phong phú, hầu như xuất hiện ở tất cả các thời điểm trong năm.

Thứ năm, Trung Quốc có lợi thế đường biên giới 1200 km tiếp giáp với Việt Nam. Vì vậy, hàng nông sản từ Trung Quốc lại càng có cơ hội thuận lợi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Rau quả nhập khẩu Trung Quốc liệu chất lượng có đảm bảo như vẻ bề ngoài (Hình ành: www.goodsmart.vn)

Mục tiêu nghiên cứu:
· Mục tiêu chung: Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn đối với hàng nông sản nhập khẩu.từ Trung Quốc.

· Mục tiêu cụ thể:

- Tổng quan các vấn đề lý luận về quản lý nhà nước đối với vệ sinh an toàn của rau quả
nhập khẩu.

- Phân tích thực trạng quản lý nhà nước đối với vệ sinh an toàn của rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc.

- Đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn của rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc.


Các câu hỏi nghiên cứu:

Đề tài hướng tới việc trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau:

- Hệ thống văn bản quy định về quản lý VSATTP đối với rau quả nhập khẩu đã hoàn chỉnh chưa?

- Việc phân công trách nhiệm giữa các tổ chức, cơ quan, trong việc thực hiện quản lý VSAT đối với rau quả nhập khẩu đã phù hợp chưa?

- Năng lực hoạt động ở các tổ chức, cơ quan quản lý VSATTP như thế nào? Làm thế nào để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan này?

- Những giải pháp nào để hoàn thiện các quy định về VSAT đối với rau quả nhập khấu?

- Những giải pháp nào đề nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan đến quản lý VSAT của rau quả nhập khẩu?

Do những giới hạn nhất định về thời gian và kinh phí nghiên cứu, đề tài sẽ chỉ tập trung tìm hiểu thực trạng các hoạt động quản lý nhà nước về VSAT đối với rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc quản lý này cần phải được thực hiện đồng bộ từ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, phân phối cho người tiêu dùng…Với các sản phẩm nhập khẩu, vấn đề quản lý chất lượng sẽ được tập trung vào công tác

quản lý VSATTP trong các khâu nhập khẩu và phân phối.

AGROINFO (Theo đề cương nghiên cứu, Th.s Vũ Thị Kim Mão)


Tin khác