AGROINFO - Tây Nguyên là vùng lãnh thổ nằm ở phía tây của nam Trung Bộ Việt Nam, diện tích tự nhiên trên 5,5 triệu km, Tây Nguyên được coi là vùng lãnh thổ có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng của cả nước…
1. Đặt vấn đề nghiên cứu
Tây Nguyên là vùng lãnh thổ nằm ở phía tây của nam Trung Bộ Việt Nam, diện tích tự nhiên trên 5,5 triệu km, phía bắc giáp miền núi tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp các tỉnh Đông Nam Bộ, phía tây giáp hai nước Lào, Campuchia và phía đông giáp miền núi các tỉnh duyên hải Trung Bộ, bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, nơi cư trú của nhiều dân tộc, chia thành hai khối dân tộc thiểu số và dân tộc mới đến với tổng dân số hiện nay khoảng 5 triệu người. Do những đặc thù về hoàn cảnh địa lý, tự nhiên và dân cư, dân tộc, trong lịch sử và nhất là trong những thập niên sau ngày giải phóng, Tây Nguyên được coi là vùng lãnh thổ có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng của cả nước.
Từ sau năm 1975, nhất là từ sau năm 1990, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế-xã hội nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng ở Tây Nguyên. Những kết quả đạt được là đáng kể và đáng khích lệ. Tuy nhiên, sự phát triển những năm qua là nhanh nhưng không vững chắc và không đồng đều giữa các vùng, giữa các đối tượng dân cư, dân tộc. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là tác động của quá trình di dân đến Tây Nguyên trong những năm qua.
Đến năm 1975, trong tương quan với cả nước, về cơ bản, Tây Nguyên còn là vùng đất rộng người thưa, với dân số xấp xỉ 1,0 triệu người, thuộc khoảng 20 thành phần dân tộc khác nhau, trong đó, quá nửa là dân số và dân tộc thiểu số tại chỗ. Trải qua quá trình tăng dân số tự nhiên và cơ học từ sau năm 1975, đặc biệt từ sau năm 1990 đến nay, dân số Tây Nguyên tăng nhanh chóng và bất thường (khoảng 5 triệu người), thuộc 47 dân tộc, chia làm 2 bộ phận là các dân tộc thiểu số tại chỗ (13 dân tộc) và các dân tộc mới đến (34 dân tộc). Có thể nói, không có bất cứ nơi đâu ở nước ta và các nước trong khu vực lại có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh chóng và mạnh mẽ như ở Tây Nguyên trong gần 20 năm qua. Quá trình di dân ồ ạt, đa phần là di dân tự phát của người Kinh và các dân tộc thiểu số phía bắc những năm qua đã tác động mạnh mẽ đến đời sống nhiều mặt của vùng lãnh thổ Tây Nguyên nói chung và của các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên nói riêng, trong đó, bên cạnh những tác động tích cực, còn là không ít những tác động tiêu cực mà nếu không có những nghiên cứu để có chính sách kịp thời và phù hợp thì hệ luỵ của nó đối với kinh tế-xã hội vùng và đối với kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ là khôn lường và đáng báo động, không chỉ cho hôm nay mà còn cho mai sau.
Trong những năm qua, nhất là từ sau năm 1990 đến nay, Chính phủ cùng các ngành các cấp ở trung ương và địa phương đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục và giải quyết tình trạng di dân vào Tây Nguyên. Mặc dù vậy, khi nhanh khi chậm, lúc âm thầm, lúc công khai, tình trạng di dân, nhất là di dân tự do đến Tây Nguyên vẫn tiếp tục diễn ra, cũng như những hệ quả mà nó gây ra vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của vùng và của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Di cư là nguyên nhân quan trọng gây thiếu đất sản xuất, phỏ rừng lâý đất trồng trọt,, quá tải cơ sở hạ tầng điện đường, trường, trạm, dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích, văn hóa, xã hội giữa các dân tộc mới đến và các dân tộc tại chỗ, cũng là nguyên cớ quan trọng gây bất ổn xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị trong các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Tình hình và bối cảnh trên đòi hỏi cần có một nghiên cứu toàn diện và cụ thể về thực trạng di dân và tác động của di dân tới kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên, từ đó, đưa ra những quan điểm, kiến nghị và giải pháp như là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phù hợp và khả thi nhằm hạn chế và hoá giải các tác động tiêu cực của hiện tượng xã hội này.
Đó là một số lý do khoa học và thực tiễn cấp thiết cho việc cần triển khai thực hiện đề tài Nghiên cứu tác động của dân di cư tới kinh tế - xã hội của dân tộc thiểu số Tây Nguyên, một trong 5 đề tài năm 2009 thuộc trong khuôn khổ của dự án hợp tác Việt Nam - Đan Mạch “Hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn (IARD SPS) mà Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan chủ trì.
Về di dân theo kế hoạch, Trong giai đoạn từ 1986 – 2000, Quy mô di dân tự do đến Tây Nguyên ở các tỉnh khác nhau: Đăk Lăk(1) có 76.546 hộ, 369.618 khẩu; Gia Lai: 20.488 hộ, 82.019 khẩu; tỉnh Kon Tum 1.653 hộ, 7.469 khẩu. Như vậy, số lượng người di cư đến Tây Nguyên tính đến năm 2000 là 98.687 hộ với 459.106 nhân khẩu, trong đó Đăk Lăk chiếm số lượng chủ yếu và số lượng dân di cư đến Đăk Lăk không ngừng tăng nhanh qua các năm. Trong giai đoạn từ 1995- 2000, mỗi năm bình quân Đăk Lăk nhận 2.400- 2500 hộ di cư có kế hoạch đến xây dựng vùng kinh tế mới. Đăk Lăk đã tiếp nhận dân của hàng chục tỉnh, trong đó chủ yếu là từ đồng bằng Sông Hồng, duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc đến xây dựng kinh tế mới theo kế hoạch của chính phủ. Nếu tính theo biến động dân số qua các năm thì dân số tỉnh Đăk Lăk từ năm 1995 đến 2001 luôn dẫn đầu về số lượng và tốc độ gia tăng. Trong giai đoạn từ 1990- 1995, tốc độ tăng dân số bình quân ở Đăk Lăk tăng nhanh nhất so vói cả nước (7,2%) so với Lâm Đồng (5,25%), Gia Lai – Kon Tum (4,25%) trong khi cả nước là 2,%.
Mnông và Ê đê là hai dân tộc tại chỗ tiêu biểu ở hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông đồng thời cũng mang những nét đặc trưng nhất của các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên. Dân tộc Ê đê thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo, với dân số hơn 270 nghìn người, đứng thứ hai sau dân tộc Gia Rai, cư trú khá tập trung tại tỉnh Đăk Lăk. Dân tộc Ê đê hiện có mặt trên tất cả các huyện của tỉnh Đăk Lăk và là một trong những dân tộc còn giữ được khá đậm nét những yếu tố văn hóa truyền thống của chế độ xã hội mẫu hệ. Dân tộc Mnông thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me nam Trường Sơn, dân số hơn 92 nghìn người, cư trú khá tập trung tại các tỉnh Đăk Lăk, đông nhất tại các huyện Lăk, Krông Bông và tỉnh Đăk Nông: huyện Đăk Nông, Đăk Mil, và Krông Nô.
Như vậy, trong khuôn khổ và mục tiêu của dự án, đề tài chỉ giới hạn trong việc điều tra, khảo sát tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, là địa bàn dân di cư đến đông nhất và có tác động nhiều nhất đến kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong số các dân tộc tại chỗ ở Tây nguyên, Ê đê và Mnông là đại diện của các dân tộc thuộc hai nhóm ngôn ngữ có dân số đông nhất ở Tây Nguyên. Các dân tộc Ê đê và Mnông là những dân tộc có dân số khá đông, cư trú khá tập trung tại tỉnh Đăk Lăk.
Theo cách hiểu thông thường, dân di cư lên Tây Nguyên là khái niệm có nội hàm tương đối rộng, dùng để chỉ nhiều đối tượng dân cư khác nhau, bao gồm 1. Dân di cư tự phát (hay dân di cư tự do, từ đây xin gọi là dân di cư tự do), 2. Dân di cư theo kế hoạch (hay dân di cư kinh tế mới, từ đây xin gọi là dân kinh tế mới), 3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, trong các nông lâm trường quốc doanh, 4. Cán bộ, chiến sỹ quân đội làm nhiệm vụ kinh tế, 5. Các đối tượng khác (doanh nhân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận lên xây dựng trang trại, dân đồng bằng lên làm thuê theo mùa vụ, tầng lớp tiểu thương đồng bằng lên tạm trú làm dịch vụ buôn bán ...Do khuôn khổ thời gian và kinh phí không nhiều, đề tài tự giới hạn trong việc chỉ nghiên cứu tác động đến kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên của dân di cư tự do và dân kinh tế mới, là hai đối tượng di cư có số lượng đông đảo nhất, vì thế có tác động toàn diện và sâu sắc nhất đến kinh tế- xã hội của các dân tộc thiểu số tại chỗ nơi đây.
Nhằm góp phần lý giải và hạn chế những tác động tiêu cực của tình trạng di dân vào Tây Nguyên, trong những thập niên sau 1975, đã có nhiều bài viết, công trình, đề tài, dự án nghiên cứu liên quan được triển khai. Những nghiên cứu ban đầu xuất hiện vào thập niên 1980, đáng chú ý trong đó là một số bài viết của các nhà khoa học và các nhà quản lý như Đặng Nghiêm Vạn, Lê Duy Đại, Lê Mạnh Khoa, Nguyễn Đức Hùng, Đỗ Tiến Dũng, Nguyễn Xuân Du, Nguyễn An Vinh, Hoàng Lê, in trong sách Tây Nguyên trên đường phát triển như là ấn phẩm phản ánh kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên II (Chương trình cấp nhà nước, mã số 48 C) do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì, trong đó, bước đầu quan tâm và đưa ra những lo ngại và khuyến cáo cho tình trạng di dân và tăng dân số cơ học ở Tây Nguyên. Từ thập niên 1990 đến nay, khi tình trạng di dân vào Tây Nguyên diễn mạnh mẽ và trên quy mô lớn, việc nghiên cứu di dân vào Tây Nguyên được chú trọng và đẩy mạnh hơn. Một số bài nghiên cứu và sách chuyên khảo được ấn hành. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu được triển khai. Có thể kể ra một số ấn phẩm và đề tài, dự án tiêu biểu như sách Di dân tự do và các biện pháp tác động của Trung tâm dân số và nguồn lao động (Hà Nội, 1994) ; sách Dân số và dân số tộc người ở Việt Nam của tác giả Khổng Diễn (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995) ; dự án Điều tra cơ bản và xác định các giải pháp giải quyết tình trạng di dân tự do đến Tây Nguyên và một số tỉnh khác của Cục Định canh, định cư & Kinh tế mới và Viện Kinh tế Nông nghiệp (1996) ; sách Di dân nội địa ở Việt Nam: Thực trạng và xu hướng của Uỷ ban Quốc gia dân số - Kế hoạch hoá gia đình và Trung tâm Nghiên cứu dân số – Nguồn lao động (1996) ; Dự án Phân tích đa biến các dự án di dân có tổ chức ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay (Multivariate Analysis of Organized Miggration Projects in Vietnam since 1991) của nhóm nghiên cứu Nguyễn Tiến Mạnh, Nguyễn Ngọc Quế, Ngụ Văn Hải, Phạm Minh Trí thuộc Viện Kinh tế Nông nghiệp (1996), trong đó, đó xác định được mối tương quan tác động của các nhân tố về cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, đường, điện, trường học, y tế …) đất rừng, đất nông nghiệp, số lao động, kinh phí và lương thực đầu tư hỗ trợ ảnh hưởng đến kết quả di chuyển cư đến các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên trong giai đoạn 1991 – 1996 ; Đề tài Nghiên cứu chính sách đối với di dân tự do trong cả nước ( 1997 – 1998) của nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế nông nghiệp Nguyễn Hữu Tiến, Ngô Văn Hải, Phạm Văn Khiên, Nguyễn Đình Chính, trong đó, phân tích thực trạng dân di cư tự do. Động cơ, lý do của hoạt động di dân tự do đến các địa phương; Các mặt tích cực và mặt tiêu cực của di dân tự do. Đề xuất các chính sách của Trung ương và địa phương nơi đi, nơi đến áp dụng với số dân di cư tự do nhằm sớm ổn định đời sống, đảm bảo ổn định dân bản địa và dân chuyển đến, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của các địa phương miền núi và Tây Nguyên; Báo cáo Kết quả điều tra di dân nông thôn tại tỉnh Đắc Lắc của Viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội (1997) ; Báo cáo Một số ý kiến về định hướng chính sách, biện pháp giải quyết vấn đề di dân của tác giả Nguyễn Xuân Thảo trong Hội nghị chính sách di dân tự phát tại thành phố Hồ Chí Minh (1998) ; Báo cáo Di dân tự do nông thôn – nông thôn: Thực trạng và giải pháp của tác giả Nguyễn Quang Huề và báo cáo Những ảnh hưởng của vấn đề di dân từ nông thôn ra nông thôn ở Đắc Lắc của tác giả Huỳnh Thị Xuân tại Hội thảo quốc tế: Di dân trong nước: Những khuyến nghị về chính sách di dân ở Việt Nam (1998),....Đáng lưu ý trong thập niên 1990 là việc thực hiện đề tài cấp bộ của nhóm cán bộ nghiên cứu Viện Dân tộc học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam Di dân tự phát của các dân tộc thiểu số từ miền núi phía bắc vào Tây Nguyên do PGS. TS. Khổng Diễn làm chủ nhiệm (1999), trong đó, trên cơ sở làm sáng tỏ thực trạng kinh tế xã hội và môi trường của các dân tộc thiểu số miền núi miền bắc ở nơi xuất cư, phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của di dân tự phát đến kinh tế, xã hội, môi trường Tây Nguyên, cùng với đó là những kiến nghị, giải pháp góp phần giải vấn đề di dân ở vùng lãnh thổ này. Cùng với đó là công trình sách chuyên khảo của tác giả Nguyễn Bá Thuỷ về Di dân tự do của các dân tộc Tày, Nùng, Hmông, Dao từ Cao Bằng, Lạng Sơn vào Đắc Lắc (2004), trong đó, làm sáng tỏ bước đầu một số vấn đề liên quan đến di dân tự do của 4 dân tộc vào Đắc Lắc như đặc điềm kinh tế xã hội của các dân tộc di cư và tại chỗ, nguyên nhân di cư, một số tác động của di cư, ...
Những nghiên cứu nói trên là những tài liệu quan trọng, hữu ích và cần thiết cho việc triển khai đề tài này. Tuy vậy, dễ nhận thấy, các nghiên cứu đó có hoặc đề cập đến những vấn đề di dân nói chung trong cả nước, hoặc thiên về những vấn đề di dân tự do của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên, cũng như thế, cho đến nay chưa có công trình, đề tài, dự án nào nghiên cứu hệ thống, toàn diện và đầy đủ về tác động của di dân (tự do và kinh tế mới) đến kinh tế- xã hội của các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên. Đó cũng là lý do thêm vào cho thấy sự cần thiết phải tiến hành đề tài nghiên cứu này.
2. Mục tiêu nghiên cứu:
Thông qua điều tra, khảo sát và nghiên cứu, làm sáng tỏ 3 mục tiêu sau:
1. Tình hình và thực trạng di dân đến Đắk Lắk và Đắk Nông từ năm 1990 đến nay
2. Tác động của di dân đến kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số Ê Đê, Mnông ở Đắk Lắk và Đắk Nông.
3. Tìm kiếm những kiến nghị, giải pháp như là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách phù hợp và khả thi nhằm giảm thiểu/khắc phục các tác động tiêu cực và phát huy các yếu tố tích cực của di dân đến kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên.
Mục tiêu cụ thể:
1. Tìm hiểu thực trạng di dân đến Đăk Lăk và Đăk Nông từ năm 1990 đến nay và những đặc điểm của dân di cư, nguyên nhân di cư.
2. Xác định những yếu tố tích cực và tiêu cực của di dân đến sử dụng đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiếp cận kinh tế thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của dân tộc Mnông và Ê đê tại Đăk Lăk và Đăk Nông.
3. Xác định những yếu tố tích cực và tiêu cực của di dân đến thiết chế xã hội truyền thống, hôn nhân gia đình, tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Mnông và Ê đê tại tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông.
4. Đề xuất những kiến nghị, giải pháp làm cơ sở khoa học giúp cho việc hoạch định chính sách về di dân và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có dân tộc thiểu số tại chỗ bị tác động của di dân trên địa bàn Tây Nguyên.
3. Giả thiết nghiên cứu:
1. Di dân vào Tây Nguyên có thể là hiện tượng tất yếu trong xu thế phát triển
2. Những cơ sở lý luận và thực tiễn lý giải hiện tượng di dân vào Tây Nguyên
3. Những yếu tố tác động tích cực và tiêu cực đến kinh tế - xã hội của dân di cư đến các dân tộc tại chỗ
4. Có thể hạn chế/khắc phục những tác động tiêu cực của di dân đến kinh tế-xã hội của các cư dân tại chỗ không?
5. Những kiến nghị và giải pháp để hạn chế/khắc phục những tác động tiêu cực và phát huy các yếu tố tích cực của di dân đến kinh tế-xã hội của các cư dân tại chỗ.
6. Sự thay đổi KT-XH của dân tộc tại chỗ Tây Nguyên có phải là do tác động của di dân?
4. Các câu hỏi nghiên cứu
1. Đặc điểm tự nhiên- kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và của các dân tộc tại chỗ trước khi có dân di cư đến?
2. Quá trình di cư của dân di cư tự do và dân di cư kinh tế mới đến Tây Nguyên từ năm 1990 đến nay diễn ra như thế nào về quy mô và tốc độ ?
3. Dân di cư đến Tây Nguyên là ai, gồm những dân tộc nào và có những đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa nào cần ghi nhận liên quan đến di cư ?
4. Những tác động tích cực và tiêu cực của dân di cư tự do và dân di cư kinh tế mới đến sử dụng đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên của dân tộc Mnông và Ê đê tại Đăk Lăk và Đăk Nông.
5. Những tác động tích cực và tiêu cực của dân di cư đến kỹ thuật sản xuất, tiếp cận kinh tế thị trường và chuyển đổi cơ cấu kinh tế hộ gia đình của dân tộc Mnông, Ê đê tại Đăk Lăk và Đăk Nông.
6. Những tác động tích cực và tiêu cực của dân di cư đến thiết chế xã hội truyền thống, hôn nhân gia đình, tôn giáo tín ngưỡng, tham gia các hoạt động xã hội của dân tộc Mnông và Ê đê tại hai tỉnh.
7. Những nguyên nhân nào dẫn đến những tác động tiêu cực của dân di cư đến kinh tế-xã hội của các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên ?
8. Những kiến nghị, giải pháp nào cần đưa ra như là cơ sở khoa học và thực tiễn góp phần xây dựng chính sách phù hợp và khả thi nhằm phát huy yếu tố tích cực và hạn chế/khắc phục tác động tiêu cực của di dân đến kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên.
5. Cơ cấu đề tài
Trong khuôn khổ thời gian và kinh phí dự toán, ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài hướng tới trình bày, luận giải và làm sáng tỏ 4 nội dung chính sau:
1. Khái quát về vùng đất và con người các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên sau 1975 như là lực hút hấp dẫn của quá trình di dân từ nơi khác đến
1.1. Vài nét về vùng đất Tây Nguyên:
- Những đặc điểm về vị trí, địa hình, khí hậu
- Điều kiện về đất đai, tài nguyên rừng,… như là lực hút hấp dẫn dân di cư đến
1.2. Các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên trước khi có dân di cư đến (trước 1990)
- Thành phần dân tộc, phân bố
- Đặc điểm tộc người: Lịch sử tộc người, môi trường cư trú, thiết chế xã hội,…
- Đặc điểm kinh tế-xã hội, văn hóa
2. Tình hình và thực trạng di dân đến Tây Nguyên từ năm 1990 đến nay
2.1. Khái quát tình hình di dân trước năm 1990
- Di dân kinh tế mới
- Di dân tự do
- Một số đặc điểm
2.2. Tình hình và thực trạng di dân giai đoạn 1990 -2000
- Di dân kinh tế mới
- Di dân tự do
- Một số đặc điểm
2.3. Tình hình di dân dân từ năm 2000 đến nay
- Di dân tự do
- Di dân theo kế hoạch
- Đặc điểm
2.4. Những nguyên nhân dẫn đến di dân vào Tây Nguyên
- Nguyên nhân khách quan
- Nguyên nhân chủ quan
2.5. Một số đặc trưng tộc người và văn hóa của của một số dân tộc di cư đến
- Dân tộc Kinh
- Dân tộc Thái
- Dân tộc Tày
- Dân tộc Hmông
3. Những tác động của di dân đến kinh tế- xã hội của các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên
3.1. Tác động đến kinh tế
- Tác động đến sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên
+ Tác động tích cực
+ Tác động tiêu cực
- Tác động đến kỹ thuật sản xuất
+ Tác động tích cực
+ Tác động tiêu cực
- Tác động đến tiếp cận thị trường và tiêu thụ hàng hóa
+ Tác động tích cực
+ Tác động tiêu cực
- Tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế
+ Tác động tích cực
+ Tác động tiêu cực
3.2. Tác động đến xã hội
- Tác động đến thiết chế xã hội truyền thống: Tổ chức buôn làng, vai trò của già làng, trưởng buôn,…
+ Tác động tích cực
+ Tác động tiêu cực
- Tác động đến hôn nhân gia đình: Cơ cấu gia đình, các chức năng của gia đình, hôn nhân, các nghi lễ trong hôn nhân,…
+ Tác động tích cực
+ Tác động tiêu cực
- Tác động đến tôn giáo, tín ngưỡng: Tôn giáo truyền thống, các tôn giáo mới, nghi lễ ,…
+ Tác động tích cực
+ Tác động tiêu cực
- Tác động đến sinh hoạt cộng đồng và tham gia các hoạt động xã hội
+ Tác động tích cực
+ Tác động tiêu cực
4. Một số kiến nghị, giải pháp như là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách nhằm hạn chế/khắc phục những tác động tiêu cực của di dân đến kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên
4.1. Kiến nghị
4.2. Giải pháp
Dự kiến sẽ có các báo cáo chuyên đề để hoàn thành nội dung đề tài như sau:
1. Tổng quan về vùng đất và con người Tây Nguyên như là tiền đề cho di dân đến
2. Khái quát tình hình và thực trạng di dân trước năm 1990
3. Tình hình và thực trạng di dân giai đoạn Từ 1990 -2000
4. Tình hình và thực trạng di dân dân từ năm 2000 đến nay
5. Những đặc điểm tộc người và văn hóa của các dân tộc di cư đến
6. Những nguyên nhân dẫn đến di dân vào Tây Nguyên
7. Tác động của di dân đến kinh tế các dân tộc thiểu số tại chỗ.
8. Tác động của di dân đến xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ.
9. Một số kiến nghị, giải pháp như là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách nhằm phát huy những yếu tố tích cực và hạn chế/khắc phục những tác động tiêu cực của di dân đến kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên.
6. Phương pháp nghiên cứu
Đây là đề tài khoa học xã hội, không phải đề tài khoa học công nghệ nên để giải quyết các nội dung liên quan cần áp dụng các phương pháp tiếp cận của khoa học xã hội là chính, trong đó kết hợp nghiên cứu định tính với nghiên cứu định lượng.
3.1. Lựa chọn công cụ và phươơng pháp:
Dự kiến đề tài sẽ khảo sát, điều tra ở cấp tỉnh, huyện, xã và 4 buôn làng của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, trong đó, ở cấp tỉnh, huyện, xã sẽ khảo sát, còn ở cấp buôn làng sẽ kết hợp khảo sát với điều tra phiếu hộ gia đình, mỗi làng 50 phiếu. Theo lộ trình triển khai, trong quá trình hoàn thành đề tài sẽ áp dụng 4 phương pháp nghiên cứu cụ thể sau:
1. Phương pháp nghiên cứu và phân tích tư liệu nhằm kế thừa tài liệu đã có, hay phương pháp nghiên cứu tài liệu và phân tích: Là phương pháp nghiên cứu trên bàn, trong đó bao gồm việc đọc, xử lý, phân tích và hệ thống lại toàn bộ những kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến nội dung đề tài, bao gồm các sách, các đề tài, dự án, cùng với đó là việc thu thập các tài liệu thống kê liên quan từ các cơ quan trung ương đến địa phương tỉnh, huyện, xã.
2. Triển khai các phương pháp nghiên cứu trên thực địa, trong đó, do đối tượng nghiên cứu chính là các dân tộc thiểu số và do là nghiên cứu phát triển nên nền tảng và then chốt là áp dụng các phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học kết hợp với nghiên cứu có sự tham dự của người dân (PRA) ở vùng dân tộc thiểu số, bao gồm:
a. Phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với cán bộ địa phương cấp tỉnh, huyện, xã, nhằm thu thập ý kiến của các cán bộ lãnh đạo ở các cấp tỉnh, huyện và xã về chính sách quản lý dân cư, quản lý lao động, triển khai các chính sách đối với người dân tộc thiểu số,…Dự kiến đề tài sẽ thực hiện 8 cuộc thảo luận nhóm, trong đó: 2 cuộc thảo luận cấp tỉnh (hai tỉnh) gồm một số cán bộ các ban ngành: Tài nguyên môi trường, Ban dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… 2 cuộc thảo luận cấp huyện gồm các cán bộ ban ngành cấp huyện của 2 tỉnh và 4 cuộc thảo luận cấp xã. Mỗi cuộc thảo luận có khoảng từ 5 – 10 người tham dự. Sau khi phát hiện ra các vấn đề nghiên cứu, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phỏng vấn sâu một số cán bộ phụ trách ở từng mảng vấn đề: di dân, quản lý đất đai, quản lý và thực hiện chính sách dân tộc,… Dự kiến mỗi tỉnh sẽ tiến hành 5 cuộc phỏng vấn sâu về các chủ đề liên quan đến đề tài.
Đối với đối tượng là cán bộ buôn làng và người dân là các dân tộc trong đối tượng nghiên cứu, đề tài dự kiến sẽ tiến hành 5 cuộc thảo luận nhóm/ 1 buôn làng về các chủ đề: quản lý và sử dụng đất đai, sinh kế, di chuyển cư và các yếu tố tác động đến đời sống kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng,...Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành phỏng vấn sâu các đối tượng là già làng, trưởng buôn làng, những người am hiểu, các cán bộ phụ trách, cán bộ đoàn thể trong buôn làng, đại diện các hộ gia đình. Mỗi buôn làng sẽ tiến hành phỏng vấn sâu từ 5 – 10 trường hợp.
b. Quan sát, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, phác đồ, biểu đồ di cư,… các cộng đồng buôn làng hai tỉnh theo phương pháp cùng tham dự của người dân (PRA).
c. Điều tra xã hội học tộc người: Tiến hành phỏng vấn trực tiếp các đối tượng điều tra và thu thập thông tin theo các chỉ số trong bảng hỏi đã được thiết kế. Dự kiến sẽ điều tra phiếu hỏi hộ gia đình tại 4 cộng đồng thôn buôn, mỗi thôn buôn 50 phiếu. Bộ phiếu hỏi hộ gia đình sẽ được xây dựng và được điều tra thử để hoàn thiện trước khi điều tra chính thức. Nội dung phiếu hỏi khoảng 40-50 câu hỏi về tình hình di chuyển cư, các yếu tố ảnh hưởng của người dân tộc tại chỗ về sinh kế, phong tục tập quán, chuyển giao khoa học kỹ thuật,… liên quan đến người dân di cư cùng với các biến số liên quan, gồm các câu hỏi định tính và định lượng, trong đó, câu hỏi định tính được chú trọng nhiều hơn.
Các dữ liệu phiếu hỏi sẽ được nhập vào máy tính và xử lý trên máy tính theo các chương trình xử lý kết quả phiếu trên phần mềm phân tích dữ liệu SPSS. Dữ liệu phỏng vấn sâu được ghi âm, gỡ băng, nhập vào máy vi tính và xử lý tư liệu trên phần mềm xử lý định tính Nvivo.
3. Phương pháp chuyên gia: ít nhất có một cuộc hội thảo vùng nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp bổ sung cho kết quả nghiên cứu sẽ được tổ chức tại Buôn Ma Thuột với sự tham dự của nhóm nghiên cứu và các nhà quản lý hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Ngoài ra là hội thảo tại Hà Nội nhằm tranh thủ ý kiến của các chuyên gia tư vấn của dự án
4. Phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh đồng đại và lịch đại trong khoa học xã hội, trong nhìn nhận các dữ liệu, số liệu, sự kiện trong mối quan hệ vốn có với nhau theo thời gian và không gian để bảo đảm những phân tích đánh giá là đúng đắn, khách quan và biện chứng.
7.Các giai đoạn nghiên cứu
- Giai đoạn 1. Thu thập phân tích, hệ thống kết quả nghiên cứu từ các tài liệu có sẵn
- Gia đoạn 2. Chuẩn bị điều tra
- Giai đoạn 3. Triển khai khảo sát, điều tra thực địa
- Giai đoạn 4. Phân tích các dữ liệu, viết báo cáo sơ bộ kết quả đề tài
- Giai đoạn 5. Tọa đàm, hội thảo và hoàn thiện báo cáo kết quả đề tài
- Giai đoạn 6: Nghiệm thu kết quả thưc hiện đề tài
AGROINFO (Theo bản thuyết minh đề tài của nhóm nghiên cứu)