Nghiên cứu tổng kết và thể chế hóa hoạt động phát triển nông thôn

04/12/2009

AGROINFO – Đề tài khoa học “Tổng kết cơ chế hoạt động phát triển nông thôn chính đã được áp dụng tại Tây Nguyên và miền núi phía Bắc nhằm đề xuất nhân rộng và thể chế hoá trong phát triển nông thôn” do TS Vũ Trọng Bình chủ nhiệm…

Đặt vấn đề

Hoạt động PTNT trong thời gian qua

Hoạt động Phát triển nông thôn được thực hiện bởi các cơ quan của Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước thông qua các chương trình, dự án PTNT. Trong giai đoạn 2001-2006, tổng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đầu tư thông qua các chương trình này là 32.386 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng (chiếm 67%), trong khi đó các chương trình dành cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo chỉ chiếm 12% tổng vốn đầu tư; còn lại là cho các chương trình an sinh xã hội 4% và các chương trình đầu tư khác chiếm 17%. Các nguồn kinh phí này được sử dụng cho một số Chương trình dự án quan trọng như: các chương trình mục tiêu quốc gia 132, 134, 135 (từ 1998); Chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN và tạo việc làm; Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn; Dự án 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; Chương trình "Thực hiện quy chế dân chủ và cải cách thủ tục hành chính ở cơ sở"; Phong trào "Xây dựng CSHT ở nông thôn"; Chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi.

Chương trình phát triển nông thôn cộng đồng thực sự được quan tâm khi Bộ NN và PTNT triển khai Chương trình PTNT theo hướng CNH, HĐH, hợp tác hóa, dân chủ hóa (còn gọi là Chương trình xây dựng mô hình NTM cấp xã, 2001 - 2005) và Chương trình thí điểm xây dựng mô hình NTM cấp thôn, bản (2007 - 2009).

Tại Việt nam hiện có hơn 300 tổ chức phi chính phủ họat động. Phần lớn hoạt động của các NGOs đều liên quan đến PTNT. Do vậy, nông thôn đón nhận rất nhiều các dự án được thực hiện bởi các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong cách tiếp cận, tác tổ chức này thường áp dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên, lấy cộng đồng làm đơn vị cơ sở cho mọi tác động. Các nội dung tác động thường là mở rộng các dịch vụ xã hội cho người nghèo ở nông thôn, an ninh lương thực trên cơ sở hỗ trợ phát triển hệ thống sản xuất tại chỗ, cứu trợ trong trường hợp hạn hán, thiên tai, phát huy các hoạt động có sự tham gia của người dân nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho người dân địa phương… Một số dự án quốc tế lớn về phát triển cộng đồng của WB, ADB, AFD, EU, các tổ chức phi chính phủ với sự tham gia của các đối tác Việt nam đã triển khai tương đối thành công tại nhiều địa phương trong cả nước. Điển hình là: dự án CSHT nông thôn dựa vào cộng đồng (CBRIP - Community Based Rural Infrastructure Project, vốn vay World Bank); Dự án PTNT dựa vào cộng đồng theo mô hình Saemaul Undong của Hàn Quốc; Dự án PTNT theo vùng của tổ chức AECI - Tây Ban Nha (Agencia Española de Cooperación Internacional); Dự án nâng cao năng lực cộng đồng của tổ chức CORDAID - Hà Lan (Catholic Organization for Relief and Development AID); Các dự án phát triển cộng đồng của tổ chức MCNV - Hà Lan (Medical Committee Netherland - Vietnam); Dự án phát triển thể chế và các hiệp hội địa phương nhằm nâng cao năng lực các hoạt động tập thể (DIALOG - EU)... Mỗi nhà tài trợ, cơ quan triển khai đều có cách thức tiếp cận, cơ chế hoạt động phát triển nông thôn và phương thức tổ chức riêng của mình. Những cơ chế tiếp cận PTNT thường được sử dụng trong khuôn khổ dự án, chương trình PTNT, nhưng ít khi được thể chế hóa thành cơ chế chính sách chung trong PTNT. Chính hạn chế này đã làm cho ảnh hưởng hạn chế của các dự án, cũng như tính bền vững của các kết quả trong họat động PTNT còn hạn chế. Có thể nói, mặc dù có hàng trăm tổ chức phi chính phủ (NGOs) hỗ trợ PTNT tại Việt nam, nhưng hầu như rất ít kết quả của họ được thể chế hóa và nhân rộng ra ngoài khuôn khổ các dự án. Sự kết nối chưa chặt chẽ của các dự án quốc tế với hệ thống thể chế chính sách của Việt nam là một trong các nguyên nhân làm cho hiệu quả về mặt xã hội của hoạt động PTNT chưa được sâu rộng. Những năm trước đây, do phần lớn số tiền viện trợ cho các tổ chức phi chính phủ là tiền cho, tặng, hay viện trợ không hoàn lại. Do đó, nhiều tổ chức NGOs cũng muốn làm độc lập theo cách thức mà họ cho là hiệu quả, ít chịu sự định hưởng của chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các tổ chức Việt nam. Các cơ quan Việt nam thì cho rằng đó là tiền của quốc tế nên cũng để họ tự do triển khai dự án, ít có sự phối hợp. Ví dụ như kết quả nghiên cứu của một dự án quốc tế hàng triệu USD lại không được xem xét như một đề tài khoa học 200 triệu đồng. Nhưng tình hình đã thay đổi, với việc Việt nam ra khỏi danh sách nghèo nhất, các khoản tiền cho tặng sẽ hầu như không còn, các dự án hoạt động PTNT của các NGOs, kể cả các tổ chức của Liên hợp quốc sẽ đều là tiền vay của chính phủ Việt nam. Do đó, nếu sự kết nối giữa họat động của các tổ chức quốc tế, NGOs không tốt, dẫn đến hiệu quả kém thì sự thiệt thòi không chỉ cho người dân và Chính phủ Việt nam mà ngay cả các NGOs cũng khó thuyết phục được Chính phủ Việt nam tiếp tục sử dụng các khoản vay trong hỗ trợ phát triển.

Một số cơ chế PTNT

Mỗi cơ quan, tổ chức PTNT, nhà tài trợ đều có những khái niệm PTNT, tiếp cận PTNT của mình, đó chính là cơ sở để họ xây dựng các cơ chế họat động PTNT trong khuôn khổ của dự án của họ. Có một số khái niệm PTNT, cơ chế PTNT được phổ biến trong thời gian vừa qua. Nhìn chung có hai xu thế cơ chế họat động PTNT được áp dụng:

(i) Nhà nước, các cơ quan quản lí địa phương, nắm toàn bộ các họat động hỗ trợ phát triển và quyết định mọi công việc trong các chương trình dự án;

(ii) Xu thế tiếp cận từ dưới lên, cho rằng mọi họat động PTNT nên để cho người dân tự chủ, tự triển khai.

Hai tiếp cận này cùng tồn tại trong phát triển nông nghiệp nông thôn ở Việt nam từ nhiều năm nay. Thường thì các chương trình/dự án nhà nước vận dụng cơ chế thứ nhất và các dự án do các NGOs quản lí thường theo cơ chế thứ hai. Gần đây, đã có sự xích lại gần nhau giữa hai cơ chế tiếp cận này, như Bộ NN và PTNT đã có quan điểm coi tiếp cận cộng đồng là chính trong mô hình NTM cấp thôn bản. Từ kinh nghiệm và thực tiễn PTNT có thể thấy có một số cơ chế tiếp cận khi triển khai các chương trình dự án PTNT như sau.

1. Cơ chế huy động nguồn lực cộng đồng cho họat động PTNT: Trong các dự án trong nước và quốc tế, cơ chế huy động và quản lí nguồn lực vật chất của các đối tượng hưởng lợi thường rất được quan tâm. Các dự án nhà nước cũng đã triển khai theo hướng hày như phong trào làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các cơ sở hạ tầng khác trong nông thôn. Các dự án quốc tế, cũng thực hiện huy động nguồn lực của dân. Tuy nhiên, quá trình huy động nguồn lực tại nhiều địa phương người dân vẫn có những phàn nàn vì tính áp đặt của bộ máy hành chính. Do đó vấn đề chính là cơ chế nào thực sự giúp dân tự nguyện, năng động tham gia đóng góp nguồn lực theo khả năng của họ, vì lợi ích của họ. Mặt khác, cơ chế kiểm soát nguồn lực minh bạch cũng cần được tìm hiểu. Kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các địa phương trong vấn đề này cần được tổng kết để làm bài học kinh nghiệm trong PTNT.

2. Cơ chế có sự tham gia của cộng đồng trong họat động PTNT: Trong các họat động PTNT, sự tham gia của người dân trong việc ra các quyết định họat động PTNT là rất cần thiết. Các cơ chế quản lí đặc thù được tạo ra trong các chương trình, dự án quyết định cho sự tham gia nhiều hay ít của người dân trong các họat động PTNT. Một số chương trình dự án có qui trình xin ý kiến, lấy ý kiến dân cư, để người dân quyết định hoạt động.... Nhưng những việc đó chưa được thể chế hóa, do đó tính pháp lí không cao. Ngoài ra, sự mâu thuẫn giữa các qui chế, cơ chế tạo điều kiện có sự tham gia của dân vào họat động PTNT trong các dự án đôi khi còn có sự không tương thích, mâu thuẫn với các qui định chính thức của nhà nước, các đoàn thể. Điều này làm cho việc thực thi tạo điều kiện sự tham gia của dân bị giảm hiệu quả. Cơ chế tạo điều kiện cho dân tham gia vào các hoạt động PTNT rất quan trọng, nó đảm bảo, giảm trừ tham nhũng, gắn họat động PTNT với quyền lợi của dân, giúp dân năng động và trở thành chủ thể của PTNT, tạo điều kiện dân chủ hóa cơ sở.

3. Cơ chế huy động đầu tư trong họat động PTNT: Các họat động PTNT hiện nay vẫn được nhìn nhận chủ yếu từ nguồn tiền ngân sách, tiền viện trợ, ODA. Huy động tiền đầu tư trong dân, của hộ gia đình và doanh nghiệp, vẫn chưa thực sự được nhìn nhận xứng đáng trong chính sách PTNT. Kinh nghiệm tại cơ sở, dự án quốc tế cho thấy việc kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp, hộ nông dân, các tổ chức kinh tế vào kinh doanh sản xuất, phát triển KTXH trong nông thôn có thể tạo ra sự năng động phát triển kinh tế có tính bền vững cao về KTXH.

4. Cơ chế tổ chức, vận động nhân dân tham gia vào xây dựng NTM: Họat động PTNT là một quá trình mang tính chất kinh tế xã hội, đòi hỏi sự năng động, đồng thuận của toàn xã hội. Do đó không phải lúc nào cũng gắn với các chương trình dự án và trợ giúp, nhiều địa phương, tổ chức quốc tế đã dùng những cơ chế chỉ mang tính vận động, tuyên truyền... nhưng hiệu quả lại rất cao. Những cơ chế này đôi khi tạo ra những thể chế mới, tập quán mới tại địa phương từ nội lực cộng đồng..

Một số tiếp cận PTNT

Lich sử PTNT gắn với sự phát triển của các tiếp cận hỗ trợ khác nhau của các nhà tài trợ, nhà nước, tổ chức phát triển. Sự đa dạng ở mức độ phát triển, cấu trúc kinh tế - xã hội ở nước ta là cơ sở cho tính đa dạng của các tiếp cận PTNT theo vùng, miền. Cơ chế PTNT có mối quan hệ tương hỗ với tiếp cận PTNT, do đó trong nghiên cứu này, chúng tôi tóm lược một số tiếp cận PTNT chính hiện nay.

IPSARD hợp tác với Viện Kinh tế NN Hàn Quốc, nghiên cứu về mô hình nông thôn mới của Hàn Quốc. Ảnh KG

Tiếp cận phát triển nông thôn đồng nghĩa với phát triển nông nghiệp

Tại nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng có tiềm năng phát triển nông nghiệp, các dự án thường có tiếp cận PTNT thông qua phát triển nông nghiệp. Bởi tại các địa bàn đó, hệ thống sản xuất nông nghiệp chiếm vị trí độc tôn, có ưu thế cạnh tranh và dân cư nông thôn chủ yếu là nông dân. Do vậy mục tiêu chính của phát triển nông thôn là phát triển sản xuất nông nghiệp để qua đó tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn. Tiếp cận này áp dụng tương đối phổ biến tại nhiều dự án PTNT các nước đang phát triển khác, đặc biệt ở vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và vùng khó khăn thiếu lương thực. Nó được các tổ chức quốc tế sử dụng để xác định chiến lược hỗ trợ cho các nước nghèo, vùng nghèo. Trên khía cạnh này, theo các tác giả như John Harriss thì phát triển nông nghiệp nông thôn là nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng. Trong cách đặt vấn đề này, yếu tố xã hội ít được xem trọng, mọi nỗ lực đều nhắm vào phát triển công nghệ và sử dụng hợp lý tài nguyên.

Tiếp cận phát triển nông thôn gắn với sinh kế người dân

Bước sang thập kỷ 1970, khi nhận thấy nông nghiệp phát triển cũng không trực tiếp đem lại thu nhập và đời sống cao cho cư dân nông thôn, khoa học phát triển nông thôn chú ý hơn đến việc làm và thu nhập: tăng trưởng và công bằng. Các chương trình phát triển nông thôn ra đời nhằm tăng năng suất nông nghiệp và tăng cường cung cấp nhu cầu cơ bản của con người. Trong thời gian này nhiều dự án đã cung cấp các dịch vụ xã hội nhanh hơn các cơ sở kinh tế đảm bảo cho chúng, điều này đã tạo ra sự đổ vỡ ở một số nơi. Nhiều nghiên cứu về phát triển nông thôn đã phát triển trong thời gian này như: phân phối thu nhập, việc làm, thị trường, năng suất lao động, hệ thống nông trại, kinh tế hộ nông dân. Lúc này xuất hiện khái niệm phát triển nông thôn tổng hợp. Mô tả khái niệm này, Michaet Todaro nói: Phát triển nông thôn là cải thiện mức sống bao gồm thu nhập, việc làm, giáo dục, sức khoẻ, dinh dưỡng, nhà ở và dịch vụ xã hội; giảm bớt sự mất cân bằng thu nhập ở nông thôn và đặc biệt thu nhập và cơ hội kinh tế giữa nông thôn và thành thị; tăng cường năng lực chống chịu của khu vực nông thôn và thúc đẩy tốc độ của những phát triển trên. Giáo sư Michael Dower - Trường đại học Gloucester, Vương quốc Anh (2001) định nghĩa về phát triển nông thôn tổng hợp là: “Một quá trình tất yếu thay đổi một cách bền vững về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn. Nội dung phát triển nông thôn tập trung vào các họat động xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch thu nhập và giàu nghèo, tăng khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy phát triển thị trường cho người nghèo. Trong các chương trình phát triển nông thôn có sự tham gia và quyết định nhiều hơn của người dân và các tổ chức của họ.

Tiếp cận phát triển nông thôn gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa

Ngày nay, tại các nước như Nhật Bản, Châu Âu, Hàn quốc, Đài loan... người ta đang đề cao quan niệm phát triển nông thôn để xây dựng một nền nông nghiệp, phát triển nông thôn đa chức năng. Theo chủ trương này, nông thôn không chỉ còn là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và là nơi diễn ra các hoạt động sản xuất nông thôn với chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, mà còn có nhiều chức năng khác. Vai trò của nông thôn không chỉ mang khía cạnh kinh tế mà còn đảm bảo sự ổn định an ninh, xã hội, quản lí nguồn lực tự nhiên, quản lí không gian sống, môi trường sinh thái. Nông thôn của thời đại «hậu công nghiệp» là nông thôn đảm nhiệm những chức năng mà thành phố không đáp ứng được như: Bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên; Bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc, của các địa phương. Đây là tiếp cận rất hiện đại, đang được nhà nước quan tâm, nhưng ít có các tổ chức quốc tế thực hiện. Theo, Paul Houee 1989, đối với thế giới hiện đại, sự phát triển và kém phát triển là hai bộ phận đối lập không thể tách rời của quá trình phát triển nông thôn, đều là kết quả của quá trình tiến bộ sử dụng công nghệ, công nghiệp hóa và đô thị hóa. Phát triển nông thôn không chỉ là hạ tầng nông thôn mà phải tạo ra những giá trị mới cho nông thôn hiện đại: 1) cách thức và quan hệ sản xuất mới; 2) hình thức tổ chức mới về các hoạt động và không gian nông thôn; 3) một quá trình thay đổi bền vững cấu trúc về tinh thần, xã hội, văn hóa của một xã hội. Quá trình phát triển nông thôn còn tạo ra sức mạnh và chiến lược xã hội, được tổ chức lại thành quyền lực, thể chế nhằm: 1) kiểm soát những thay đổi này; 2) tạo ra những giá trị và ý tưởng mới. Phát triển nông thôn là một sự chuyển biến của cả một xã hội, mà ở đó các tác nhân nông thôn đóng vai trò quyết định.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về cơ chế và tiếp cận PTNT

Nghị quyết 26 năm 2008 của Đảng về Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân làm cơ sở cho sự thay đổi định hướng họat động PTNT. Ban bí thư TW Đảng cũng đang chỉ đạo mô hình 11 xã điểm mô hình nông thôn mới. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ NN và PTNT đang triển khai chương trình mô hình PTNT cấp thôn bản. Những họat động PTNT này cho thấy sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ NN và PTNT về cách thức tiếp cận, cơ chế tiếp cận trong PTNT. Trong bối cảnh các chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang triển khai sẽ kết thúc vào năm 2010, một định hướng mới cần được xây dựng nhằm: 1) phát triển nông thôn có định hướng và nguyên tắc chung; 2) phù hợp với đặc điểm và điều kiện của vùng, miền. Đứng trước những câu hỏi: cách thức nào, chính sách nào, cơ chế nào để thúc đẩy sự năng động của người dân, toàn xã hội trong phát triển nông thôn, xây dựng được một nông thôn văn minh hiện đại trong bối cảnh có sự đa dạng về trình độ phát triển nông thôn nước ta. Trong khi đó, việc tổng kết các cách thức tiếp cận, cơ chế hoạt động phát triển nông thôn hầu như chưa được quan tâm trong các đề tài nghiên cứu. Do vậy, chúng tôi cho rằng nghiên cứu tổng kết các cơ chế tiếp cận họat động PTNT đã và đang triển khai ở Việt nam là hết sức cần thiết, nhằm đề xuất nhân rộng và thể chế hóa, tạo sự kết nối giữa các tổ chức NGOs, quốc tế với các cơ quan Việt nam. Trong khuôn khổ dự án Dự án ARD SPS-Danida, chủ đề này đã được quan tâm và ưu tiên, nhất là đối với vùng Tây nguyên và miền núi phía Bắc là vùng họat động Dự án, do vậy họat động nghiên cứu này được triển khai tại hai vùng này.

Mục tiêu nghiên cứu:

1. Mục tiêu dài hạn:

Nhà nước có cơ chế chính sách hiệu quả thúc đẩy sự phát triển toàn diện, huy động được mọi tầng lớp xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tham gia, nhằm xây dựng nông thôn mới văn minh, truyền thống, hiện đại.

2. Mục tiêu ngắn hạn:

Xác định được cơ chế điển hình trong phát triển nông thôn của các nhà tài trợ, cơ quan PTNT trong nước và quốc tế đang áp dụng tại Việt nam trong những năm gần đây.

Xác định được bài học kinh nghiệm về cơ chế PTNT được áp dụng có hiệu quả tại Việt nam của các nhà tài trợ, cơ quan PTNT trong nước và quốc tế trong những năm gần đây

Đề xuất được định hướng nhằm thể chế hóa, nhận rộng một số cơ chế PTNT cho khu vực miền núi trong giai đoạn 2010-2020

Đề xuất thể chế hóa, nhân rộng một số cơ chế PTNT trong PTNT ở Việt nam thời gian tới

3. Giới hạn nghiên cứu:

Nội dung: Đề tài chỉ nghiên cứu với những cơ chế hoạt động PTNT của các NGOs, tổ chức trong và ngoài nước được tài trợ từ các nguồn vốn không phải là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước

Địa bàn: Đề tài tập trung vào hai khu vực là Tây nguyên và miền núi phía Bắc, trong đó ưu tiên tập trung tại các tỉnh đang triển khai dự án ARD-SPS DANIDA: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Đắk Nông, Đắk Lắk

Ảnh minh họa: Internet

Giả thiết và câu hỏi nghiên cứu:

Giả thuyết nghiên cứu

Trong thời gian qua, nhiều cơ chế hoạt động phát triển nông thôn đã được áp dụng thành công tại nhiều địa phương ở nước ta, nhưng không được thể chế hoá và nhân rộng

Câu hỏi nghiên cứu

1. Các tổ chức NGOs, tổ chức trong nước và quốc tế đã áp dụng những cơ chế hoạt động PTNT nào trong thời gian vừa qua?

2. Hiệu quả của một số cơ chế PTNT điển hình của các tổ chức trong nước và quốc tế

3. Những bài học kinh nghiệm nào cần được rút ra từ những thành công về cơ chế họat động PTNT ?

4. Những cơ chế chính sách nào cần xây dựng để các cơ chế PTNT được thể chế hóa và nhân rộng?
AGROINFO (Theo báo cáo thuyết minh đề tài nghiên cứu, TS Vũ Trọng Bình chủ nhiệm)


Tin khác