VÒNG ĐÀM PHÁN DOHA - LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

20/05/2011

Đàm phán nông nghiệp - một nội dung quan trọng trong khung khổ chương trình phát triển Doha đang được triển khai theo tinh thần tuyên bố của hội nghị Bộ trưởng Doha ngày 14 tháng 11 năm 2001, Chương trình hành động Doha do Đại Hội đồng quyết định vào ngày 1 tháng 8 năm 2004 và tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Hồng Kông.

Cũng như các nội dung đàm phán Doha khác, đàm phán về nông nghiệp không tiến hành một cách riêng biệt mà là một hợp phần trong “cả gói đàm phán” của Doha. Nghĩa là kết quả đàm phán sau này các thành viên sẽ phải hoặc chấp nhận “cả gói” hoặc không chấp nhận tất cả chứ không được lựa chọn những vấn đề cho là phù hợp với mình. Đó là lý do giải thích vì sao bất kể tiến bộ nào đạt được trong nông nghiệp đều gắn với các nội dung đàm phán của lĩnh vực khác, đặc biệt là vấn đề mở cửa thị trường đối với hàng phi nông sản (gọi là đàm phán NAMA). Điều này thể hiện rất rõ trong đoạn 24 trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Hồng Kông về việc gắn với việc mở cửa thị trường cho các nước đang phát triển trong cả lĩnh vực nông sản và NAMA.
 
1/ Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐÀM PHÁN DOHA VỀ NÔNG NGHIỆP
Trước vòng đàm phán Urugoay (1986-1993) nông sản đã không được đưa vào đàm phán đa phương của GATT và mặc dù tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp đang giảm dần trong nền kinh tế và thương mại toàn cầu, nhưng đàm phán nông nghiệp đã trở thành vấn đề trung tâm của DDA. Có nhiều nguyên nhân như sau:
- Do đặc thù của ngành nông nghiệp là phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thiên nhiên (thời tiết, khí hậu), đất đai, sinh học, nên ngành nông nghiệp không đơn thuần là một ngành kinh tế mà còn mang tính chính trị, xã hội  rất cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bất kể nước đó là nước phát triển hay đang phát triển.
- Nhu cầu bảo hộ và hỗ trợ cho nông nghiệp tỷ lệ thuận với trình độ phát triển kinh tế. Các nước phát triển trợ cấp và bảo hộ cho nông nghiệp rất cao. Vì vậy, đối với phần lớn các nước đang phát triển vốn trông chờ vào xuất khẩu nông sản là nguồn thu ngoại tệ chính thì việc tiếp cận tốt hơn thị trường của các nước phát triển sẽ đem lại nhiều lợi ích cho họ. Đó cũng là ưu tiên hàng đầu trong đàm phán của các thành viên WTO là nước đang phát triển.
- Mặc dù Vòng Uruguay thành công là đưa lĩnh vực nông nghiệp vào khuôn khổ đàm phán thương mại đa phương và bước đầu thúc đẩy tiến trình cải cách thương mại hàng nông sản, nhưng kết quả đạt được ở Vòng này là “không công bằng". Nông nghiệp vẫn được bảo hộ cao ở cả các nước phát triển và đang phát triển với mức thuế trần cam kết cao hơn nhiều so với mức thuế MFN áp dụng hiện hành. Về trợ cấp, các nước phát triển đã khai khống số liệu nên dù có đạt được thỏa thuận về tỷ lệ cắt giảm đáng kể, nhưng trên thực tế sẽ không ảnh hưởng tới chính sách hiện hành của họ. Theo báo cáo của Tổ chức các nước phát triển (OECD), mỗi năm, trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, các nước này đã trợ cấp cho nông nghiệp bình quân khoảng 350-360 tỷ USD mỗi năm. Trong khi các nước đang phát triển lại phải chịu những cam kết năng nề về sở hữu trí tuệ hoặc mở cửa thị trường hàng công nghiệp.
 

Thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo khu vực năm 2001 (%, quy về % tương đương)
Các nền kinh tế
Thuế trần cam kết
Thuế MFN hiện hành
Mức thuế thực tế áp dụng
Các nước phát triển
27
22
14
Các nước đang phát triển
48
27
21
Các nước chậm phát triển
78
14
13
Chung toàn thế giới
37
24
17

Nguồn:
Với các hình thức bảo hộ cao cho nông nghiệp như trên, ý nghĩa của việc tự do hoá thương mại hoàn toàn thông qua việc giảm thuế và loại bỏ các hình thức trợ cấp mang tính "bóp méo thương mại" trong nông nghiệp là hết sức to lớn cho cả các nước phát triển và đang phát triển, nhưng đối với nhóm nước đang phát triển thì được hưởng lợi nhiều hơn.
Bảng dưới đây sẽ so sánh những lợi ích thu được đối với nền kinh tế toàn cầu và các nước đang phát triển khi tự do hoá hàng nông sản, thực phẩm, dệt may và các hàng hoá khác.
 

Tác động đến phúc lợi kinh tế của việc tự do hoá hoàn toàn thương mại theo các nền kinh tế và theo sản phẩm đến năm 2015 (%)
 
a.      Distribution of effects global welfare
 
 
 
Economy
 
 
Full liberalization of:
 
Agriculture and food 
Textiles and clothing 
Other merchandise 
All goods
 
High-income
Developing
All
 
46
17
63
6
8
14
3
20
23
55
45
100
 
b.      Distribution of effects on developing economies’ welfare
 
 
 
 
Economy                
Full liberalization of:
 
Agriculture and food 
Textiles and clothing 
Other merchandise 
All goods
High-income
Developing
All
 
30
33
63
17
10
27
3
7
10
50
50
100
Nguồn: Kym Anderson và Will Martin (chủ biên): Cải cách thương mại hàng nông sản và chương trình phát triển Doha (DDA), Ngân hàng Thế giới và Palgrave Macmillan, 2006

Nông nghiệp rất quan trọng bởi vì nguồn sinh kế của hơn một nửa số người nghèo ở các nước đang phát triển dựa vào nông nghiệp và vẫn còn quá nhiều sự "méo mó" trong thương mại hàng nông sản ở cả các nước phát triển cũng như ở các nước đang phát triển. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đàm phán khó khăn nhất không chỉ đối với các nước phát triển mà kể cả các nước đang phát triển. Mỗi nhóm nước đều có những khó khăn và lợi ích khác nhau.
Từ năm 2000, các phiên đàm phán về nông nghiệp đã bắt đầu được khởi động nhằm đạt mục tiêu cải cách đáng kể thương mại hàng nông sản theo tinh thần chỉ đạo của Hiệp định Nông nghiệp. Những nội dung đó sau này đã được thể hiện vào trong chương trình phát triển Doha (DDA) được khởi động vào năm 2001. Cải cách thương mại nông sản không chỉ là vấn đề cắt giảm thuế mà còn có cả giảm các hình thức trợ cấp là vấn đề cực kỳ nhạy cảm chính trị. Và do vây, không ngạc nhiên khi các nhà đàm phán nông nghiệp luôn bị chậm so với thời hạn nêu ra kể từ đầu vòng đàm phán đến nay.
2/ TÓM TẮT TIẾN TRÌNH ĐÀM PHÁN:
Điều 20 của Hiệp định Nông nghiệp (AoA) có ghi “để thực hiện mục tiêu dài hạn của AoA là giảm đáng kể trợ cấp và bảo hộ trong nông nghiệp, các thành viên WTO nhất trí sẽ bắt tay vào vòng đàm phán mới từ 1 năm trước khi kết thúc giai đoạn thực hiện của Hiệp định. Các vấn đề sẽ được đưa ra bàn bạc gồm
+ Đánh giá tình hình thực hiện cam kết cắt giảm;
+ Đánh giá tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm tới thương mại nông sản thế giới;
+ Các quan tâm về vấn đề phi thương mại của nông nghiệp; Sự đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển; Mục tiêu thành lập hệ thống thương mại nông sản thế giới công bằng, theo định hướng thị trường và một số mục tiêu khác được nêu trong AoA;
+ Tiếp tục cam kết cắt giảm nhằm đạt cho được mục tiêu dài hạn nói trên.
Tính đến nay, Vòng đàm phán Doha đã kéo dài được 10 năm, với nhiều lần lùi thời hạn kết thúc, đàm phán về nông nghiệp đã trải qua các giai đoạn thăng trầm. Tại cuộc họp không chính thức cấp đại sứ với ủy ban đàm phán ngày 30      tháng 11 năm 2010, ông Pascal Larmy-Tổng thư ký WTO đã nêu những tín hiệu tích cực “quyết tâm chính trị của các lãnh đạo chủ chốt tai cuộc họp hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul, Hàn quốc và  cấp cao APEC năm 2010 tại Yokohama, Nhật bản là cam kết sẽ kết thúc đàm phán Doha vào cuối năm 2011”. Ông David Walker, đại sứ New Zealand, trưởng nhóm đàm phán nông nghiệp đã đưa ra kế hoạch cho đàm phán nông nghiệp rằng sẽ tổ chức cuộc họp ngày 17/1/2011 nhằm hoàn thành bản dự thảo gần như cuối cùng về công thức cắt giảm cho nông nghiệp vào cuối quý I/2011. Tuy vẫn còn nhiều vấn đề phải thảo luận tiếp, nhưng bản dự thảo này đã đạt được tiến bộ đáng kể. Nếu kết thúc được đúng như kế hoạch trên thì sẽ tạo ra những cơ hội mới cho hệ thống thương mại nông sản thế giới công bằng hơn. Dưới đây, tóm lược các giai đoạn đàm phán về nông nghiệp:
- Giai đoạn 1 (từ đầu năm 2000 đến tháng 3 năm 2001): 129 thành viên (chiếm 89% trong tổng số 142 thành viên WTO) đã đưa ra 45 đề xuất và 3 tài liệu kỹ thuật. 6 phiên họp đã được tổ chức nhằm thảo luận các đề xuất nói trên. Các đề xuất nói chung rất rộng, đề cập đến mọi vấn đề và quan điểm đàm phán cũng rất khác nhau.
- Giai đoạn 2 (năm 2001-2002): Các cuộc họp trong giai đoạn này chủ yếu mang tính chất không chính thức, tập trung thảo luận theo các chủ đề nhằm định hướng đàm phán cho các bên tham gia. Các nước đang phát triển đã tham gia khá tích cực từ giai đoạn này. Tháng 11/2001, hội nghị Bộ trưởng thương mại WTO lần thứ 4 tổ chức tại Doha (Quanta) đã ra tuyên bố về khởi động vòng đàm phán mới có tên là “Chương trình phát triển Doha - DDA”. Về nông nghiệp, Doha tuyên bố khẳng định quyết tâm đàm phán nhằm cải thiện đáng kể cơ hội tiếp cận thị trường, cắt giảm và tiến tới loại bỏ hoàn toàn trợ cấp xuất khẩu và giảm đáng kể các loại hình hỗ trợ trong nước có tính bóp méo thương mại; Nhất trí rằng sự đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển là một phần quan trọng trong đàm phán nhằm tạo sự phát triển bền vững  cho các bước đang phát triển, nhất là vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông thôn; Vấn đề phi nông nghiệp cũng sẽ được cân nhắc trong quá trình đàm phán.
- Giai đoạn chuẩn bị “công thức đàm phán”: Tuyên bố Doha đặt kế hoạch cho tiến trình đàm phán nông nghiệp như sau:
+ 31 tháng 3 năm 2003: Các bên đề xuất và đệ trình công thức cắt giảm (Modalities);
+ Tháng 9 năm 2003 (hội nghị Bộ trưởng thương mại lần thứ 5 tại Cancún, Mehico): Các bên sẽ đưa ra bản dự thảo đầy đủ về cam kết.
+ Đến tháng 1/2005, bản dự thảo cam kết nông nghiệp tổng hợp sẽ được hoàn tất.
Tuy nhiên, đến thời điểm 31 tháng 3 năm 2003, các bên đã không thống nhất được công thức cắt giảm và đã nhất trí lùi thời hạn này đến tháng 8/2004.
Trong giai đoạn chuẩn bị này, chủ yếu là các cuộc họp mang tính kỹ thuật bàn về các vấn đề trong 3 lĩnh vực chính của nông nghiệp là: trợ cấp xuất khẩu/cạnh tranh, tiếp cận thị trường và hỗ trợ trong nước. Tại hội nghị Bộ trưởng thương mại lần thứ 5 tại Cancún, đã không đưa ra được tuyên bố do quan điểm của các bên về nông nghiệp và các vấn đề khác còn quá xa nhau.
- Gói “nông nghiệp tháng 7/2004”: Sau hội nghị Cancún, tại Geneve- trụ sở WTO, các cuộc họp về nông nghiệp đươc tổ chức. Một khối lượng đề xuất rất lớn đã được tiếp nhận gồm 52 đề xuất đàm phán chính thức, 32 tài liệu do Ban thư ký WTO chuẩn bị, 99 tài liệu đề xuất không chính thức và một số dự thảo “khung”. Điều này cho thấy để hài hòa được quan điểm của các bên là một việc không dễ dàng có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Chính vì thế, mãi đến tháng 8/2004, 147 thành viên WTO mới thông qua Đề cương/Khung cho công thức cắt giảm. Khung công thức cắt giảm rất quan trọng vì đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong việc cắt giảm trợ cấp và bảo hộ nông nghiệp.
- Hội nghị Bộ trưởng thương mại tại Hồng Kông tháng 9/2005: Tuyên bố Hồng kông về nông nghiệp đã cụ thể hóa thêm một bước về định hướng đàm phán về nông nghiệp. Ví dụ, trong phần hỗ trợ trong nước đã nêu ra nguyên tắc sẽ chia mức trợ cấp ra thành 3 nhóm, theo đó, nhóm trợ cấp càng cao thì sẽ phải cắt giảm càng nhiều. Có các mức cắt giảm cụ thể cho từng nhóm trợ cấp như nhóm tổng hỗ trợ tính gộp (Trợ cấp AMS), loại hỗ trợ mang tính bóp méo thương mại, mức tối thiểu vv… Đối với trợ cấp xuất khẩu, sẽ tiến hành cắt giảm để tiến tới loại bỏ hoàn toàn vào năm 2013. Đối với phần tiếp cận thị trường, thống nhất chia làm 4 mức, theo đó, mức thuế càng cao thì cắt giảm càng nhiều. Trong mỗi lĩnh vực đều nêu ra các nguyên tắc S&D dành cho các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhóm nước nhập khẩu ròng lương thực và nhóm có nền kinh tế nhỏ dễ bị tổn thương vv…
Tháng 6/2006, dự thảo công thức cắt giảm (Draft Modalities): Ngày 12 tháng 7 năm 2006, ông Đại sứ Crawford Falconer, chủ tịch Uỷ ban đàm phán Nông nghiệp tổng hợp kết quả đàm phán gọi là "khả năng có thể cho công thức cắt giảm về nông nghiệp". Báo cáo dài 77 trang, trong đó gồm 47 trang nội dung và 30 trang phụ lục. Nhìn chung, báo cáo này mới chỉ ở dạng “khung”, còn tất cả các chỉ số, con số cụ thể đều để trống hoặc để trong ngoặc để thảo luận tiếp.
Các nội dung chính gồm:
Tiếp cận thị trường:
Những nội dung chính được nêu trong dự thảo là:
·        Công thức cắt giảm thuế quan;
·        Số lượng và cơ chế đối với sản phẩm trong các danh mục nông sản nhạy cảm và nông sản đặc biệt (ví dụ những sự linh hoạt hơn so với các công thức kể trên);
·        Các mức thuế đỉnh hoặc trần;
·        Tương lai của cơ chế tự vệ đặc biệt hiện hành (SSG); 
·        Mức cắt giảm thuế ít hơn là bao nhiêu so với công thức dành cho các nước đang phát triển;
·        Nông sản đặc biệt và cơ chế tự vệ đặc biệt (SSM) dành cho các nước đang phát triển;
·        Nông sản nhiệt đới;
·        Giảm dần sự sự ưu đãi thông qua việc giảm thuế rộng hơn;
·        Đối xử dành cho các nền kinh tế nhỏ, dễ bị tổn thương;
·        Đối xử dành cho các các nước thành viên WTO mới gia nhập trong thời gian gần đây và đối với các nước chậm phát triển.
Công thức cắt giảm thuế: Uỷ ban đàm phán kỹ thuật (TNC) đưa ra công thức cắt giảm thuế theo 4 nhóm thuế với các mức độ cắt giảm theo hướng, thuế càng cao thì mức cắt giảm càng nhiều. Nhưng biên độ dự kiến cắt giảm ở mỗi mức còn để rất rộng. S&D dành cho các nước ĐPT là khung thuế rộng hơn và mức cắt giảm thấp hơn từ 15-30% so với các nước phát triển.
Mức thuế đỉnh (tariff cap): Sẽtiếp tục cắt giảm nếu sau khi áp dụng công thức trên mà thuế vẫn còn lớn hơn một mức nhất định.
Sản phẩm nhạy cảm: Mỗi nước được quyền chọn một lượng nhất định số dòng thuế thuộc diện nhạy cảm. Các nước ĐTP được quyền chọn nhiều hơn 50% số dòng thuế của các nước PT. Những sản phẩm trong diện này sẽ được áp dụng tổng hợp giữa giảm thuế và TRQ. Mức giảm của SP nhạy cảm sẽ thấp hơn mức giảm thông thường.
Mở rộng hạn ngạch: Sẽ mở rộng lên ít nhất là 6% mức tiêu dùng trong nước; của các nước đang phát triển sẽ là [2/3 của 6%, tức là 4% mức tiêu dùng trong nước. vv…
Hỗ trợ trong nước:
Trong đàm phán về trợ cấp trong nước, có sự phân biệt chủ chốt giữa loại trợ cấp "bóp méo thương mại" và loại trợ cấp không bóp méo thương mại. Ở vòng Uruguay, các thành viên WTO đã nhất trí cam kết đối với các hình thức trợ cấp mang tính bóp méo thương mại được sử dụng trong giai đoạn 1986-88 và sẽ giảm các loại trợ cấp này trong vòng 6 năm. Mức trợ cấp được tính toán dựa trên mức hỗ trợ tính gộp (AMS) cho mỗi nước, là mức đo các hình thức hỗ trợ mang tính bóp méo thương mại hay còn gọi là hộp "hổ phách". Những dang trợ cấp trong hộp "xanh lơ" và mức "tối thiểu" mặc dù vẫn bóp méo thương mại nhưng được miễn trừ ra không phải tính vào AMS. và do đó đã không phải cắt giảm trong Vòng Urugoay. Trong khi đó, các chính sách "hộp xanh" được coi là không bóp méo thương mại, các nước không phải cam kết cắt giảm. Cuối cùng, chỉ có 28 nước đã phải cam kết phải cắt giảm loại trợ cấp bóp méo thương mại.
Dự thảo về trợ cấp trong nước lần này tập trung vào các vấn đề sau:
·        Cắt giảm tổng thể các loại trợ cấp bóp méo thương mại;
·        Cắt giảm trong "hộp hổ phách" (Ambber box - loại bóp méo thương mại nhiều nhất);
·        Cắt giảm trong hộp xanh lơ (Blue Box- loại bóp méo thương mại ít hơn, bao gồm cả chương trình hỗ trợ liên quan đến cải cách và giảm sản lượng sản xuất);
·        Cắt giảm mức tối thiểu (De Minimis - tức là mức được phép áp dụng loại trợ cấp bóp méo thương mại tại vòng Urugoay),
·        Các nguyên tắc đối với hộp hổ phách, hộp xanh lơ, và bông,
·        Cơ chế sắp tới cho chính sách trong nhóm hộp xanh (Green box- loại trợ cấp cho nông nghiệp không bóp méo thương mại hoặc bóp méo rất ít).
Cắt giảm tổng các loại trợ cấp mang tính bóp méo thương mại (OTDS) là một khái niệm mới trong vòng Doha. OTDs là tổng của tất cả các loại trợ cấp mang tính bóp méo thương mại, bao gồm Hộp hỗ phách, hộp xanh lơ cộng với mức tối thiểu.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Hồng kông các thành viên đã nhất trí rằng sẽ có 3 mức cắt giảm cho tổng hỗ trợ gộp (AMS) và cho việc cắt giảm chung cho tổng các trợ cấp bóp méo thương mại (OTDS) theo hướng trợ cấp càng cao thì cắt giảm càng nhiều. Điều này có nghĩa là EU là thành viên duy nhất ở trong nhóm phải cắt giảm cao nhất, AMS của họ sẽ giảm từ 70-80%; Mỹ và Nhật sẽ ở nhóm thứ 2, tức là có mức cắt giảm vào khoảng 53-75%; các nước còn lại, trừ các nước chậm phát triển ở nhóm thứ 3 sẽ cắt giảm ở mức từ 31-70%.
Một phát kiến mới mang tính định hướng của Doha là đề xuất giới hạn đối với loại trợ cấp bóp méo thương mại tính theo sản phẩm cụ thể. Một trong những vấn đề đã được xác định trong quá trình thực thi các Hiệp định của Vòng Urugoay đó là sự tập trung hỗ trợ và bảo hộ đổi với một số ít sản phẩm. Đề xuất này nhằm giới hạn mức hỗ trợ AMS cho từng sản phẩm để làm sao có sự hài hoà về mức hỗ trợ giữa các sản phẩm. Một số nước còn muốn áp dụng mức giới hạn này sang cả các hình thức trợ cấp trong nhóm Hộp XanhLơ và Mức Tối thiểu, nhằm tránh dồn trợ cấp cho một hoặc hai sản phẩm.
Việc cắt giảm trong nhóm hộp xanh không nằm trong sự quan tâm của vòng Doha. Tuy nhiên, việc sử dụng các hình thức trợ cấp trong nhóm Hộp Xanh đã tăng lên đáng kể khi mà Mỹ, EU và Nhật bản đã chuyển từ hỗ trợ trong nhóm Hộp Hổ phách sang Hộp Xanh. Vì thế mà nhiều nước đang phát triển đã đề nghị có những tiêu chí bổ sung để đảm bảo rằng hỗ trợ trong nhóm Hộp Xanh thực sự không bóp méo thương mại. 
Cạnh tranh xuất khẩu:
Trong lĩnh vực này, đàm phán lại đạt được tiến bộ đáng kể về trợ cấp xuất khẩu. Một thoả thuận mang tính chính trị đã đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Hồng Kông là tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu của các nươc phát triển sẽ được loại bỏ hoàn toàn không muôn hơn năm 2013, trong đó, trợ cấp xuất khẩu cho ngành bông được loại bỏ vào cuối năm 2006. Đây là một tin hết sức quan trọng dành cho các nước đang phát triển xuất khẩu bông, chủ yếu là châu Phi. Các nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi sự ưu đãi về thời gian thực hiện dài hơn (5 năm) và mức cắt giảm của giai đoạn đầu thấp hơn. Đồng thời, để tránh việc chuyển trợ cấp xuất khẩu trực tiếp sang các hình thức khác, các nguyên tắc về tín dụng xuất khẩu, trợ cấp lương thực, thực phẩm và doanh nghiệp thương mại Nhà nước cũng được đề cập đến trong dự thảo lần này.
Năm 2007-2008: Giai đoạn rà soát và tập trung đàm phán trên cơ sở bản dự thảo công thức cắt giảm: Trên cơ sở bản dự thảo công thức cắt giảm đã được rà soát tháng 7/2007, tiến độ đàm phán đã được đẩy nhanh hơn. Đến tháng  7 năm 2008 đã có dự thảo công thức cắt giảm gọi tắt là “Gói tháng 7/2008” và đến tháng 12/2008 lại có bản dự thảo mới công thức cắt giảm. Theo báo cáo của ông chủ tịch ủy ban đàm phán nông nghiệp, đã có sự tiến bộ đáng kể trong bản dự thảo mới này so với “gói tháng 7/2008”. Đã phá được khá nhiều dấu ngoặc (những chỗ còn chưa nhất trí), mặc dù chố phá ngoặc đó chưa phải là đã đạt được sự nhất trí hoàn toàn. Nhiều chố phá ngoặc nhưng vẫn còn kèm theo điều kiện. Nhưng có thể cho thấy bức tranh chung về nội dung đàm phán về nông nghiệp đến giai đoạn này như sau:
Về tiếp cận thị trường: Thuế càng cao thì cắt giảm càng nhiều. Đối với các nước phát triển, mức cắt giảm từ 50 – 70%, mức cắt giảm bình quân tối thiểu là 54%. Đối với các nước đang phát triển, mức cắt giảm sẽ từ 33,3% - 46,7%, mức cắt giảm bình quân tối thiểu là 36% (bằng 2/3 mức cắt giảm của các nước PT). 
Danh mục nông sản “nhạy cảm” (cho tất cả các nước) và danh mục nông sản “đặc biệt” (cho các nước ĐPT): Mức cắt giảm thuế quan của danh mục “nhạy cảm” sẽ bằng 1/3, ½ hoặc 2/3 so với mức cắt giảm thông thường nhưng với điều kiện kèm theo hạn ngạch. Nông sản “đặc biệt” cũng sẽ có mức cắt giảm ít hơn, một số sẽ được miễn cắt giảm.
Vị thế của thành viên: Những nước chậm phát triển sẽ không bị yêu cầu cắt giảm; Các nước ĐPT sẽ cắt giảm ít hơn với một số linh hoạt; Các nền kinh tế nhỏ, dễ bị tổn thương sẽ cắt giảm ít hơn nữa và với nhiều linh hoạt hơn.
Trong giai đoạn thực hiện, nếu khối lượng nhập khẩu tăng nhanh hoặc giá nhập khẩu quá thấp, các nước ĐPT được quyền áp dụng cơ chế tự vệ đặc biệt (SSM).
Hỗ trợ cho nông dân và cho nông nghiệp: Những loại hỗ trợ mang tính “bóp méo thương mại” phải cắt giảm nhưng không bị loại bỏ hoàn toàn. Những dạng này được phép duy trì ở “mức tối thiểu” là 2,5% giá trị sản xuất của sản phẩm đó đối với các nước phát triển (vòng Urugoay là 5%) và 6,7% đối với các nước ĐPT (vòng Urugoay là 10%). Mức hỗ trợ cho từng sản phẩm cụ thể cũng được giới hạn. Nhưng một loạt các hỗ trợ cho nông nghiệp vẫn được tự do áp dụng như nhóm chính sách “hộp xanh” (các khoản đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nghiên cứu khoa học, khuyến nông, phòng chống dịch bệnh, chuyển dịch cơ cấu…). Nhưng, một số chính sách trong hộp xanh lại bị quy định với những điều kiện chặt chẽ hơn ví dụ như hỗ trợ trực tiếp cho thu nhập, khuyến khích sản xuất…
Trợ cấp xuất khẩu: Tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu sẽ bị loại bỏ vào năm 2013. Ban hành quy định cho các hình thức trợ cấp như tín dụng, bảo lãnh xuất khẩu, doanh nghiệp thương mại nhà nước là những hình thức trợ cấp xuất khẩu không chịu sự điều chỉnh của Hiệp định nông nghiệp của vòng Urugoay.
Năm 2009-2010: Do sự liên quan chặt chẽ giữa nông nghiệp với các lĩnh vực đàm phán khác như NAMA, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, và các lĩnh vực này cũng chưa đạt được nhiều tiến bộ nên tiến độ bị chậm lại. Mãi đến hội nghị thượng đỉnh APEC tại Nhật bản và hội nghị G20 tại Hàn Quốc vào tháng 10/2010 với các quyết định mang tính chính trị cấp cao thì tiến độ đàm phán mới được đẩy nhanh hơn như đã nêu ở phần trên.

 

NHÓM HỘI NHẬP


Tin khác