Hội thảo vai trò và chức năng quản lý nhà nước

10/09/2007

AGROINFO - Ngày 8/9/2007, tại Hội trường Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã diễn ra “Hội thảo vai trò và chức năng quản lý nhà nước” do TS. Arne Svensson trình bày. Tham dự hội thảo có ông Jan Rudengren-đại diện của SIDA tại Việt Nam, Phó Viện trưởng TS. Dương Ngọc Thí và đông đảo cán bộ nghiên cứu đại diện cho các trung tâm, các phòng ban của Viện. Tải file tài liệu hội thảo Tiếng Việt

Tải file tài liệu hội thảo tiếng Anh

Trước những thách thức, đối mặt do tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng của Việt Nam và những yêu cầu mới đối với công tác quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập WTO đối với nông nghiệp, hội thảo là cơ hội quan trọng cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách, cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chia sẻ những kinh nghiệm trong cải cách và quản lý nhà nước.

Trong buổi hội thảo, TS. Arne Svensson đã trình bày một cách khái quát (i) vai trò và chức năng của quản lý nhà nước trong nền kinh tế mở hoạch định toàn cầu; (ii) Nội dung cải cách quản lý nhà nước, trong đó tập trung vào 2 nội dung rất quan trọng đó là vấn đề tập trung và phi tập trung hoá và những kinh nghiệm của quốc tế; (iii) phần trình bày cũng nêu rõ quy trình cải cách và giới thiệu mô hình cải cách của Thuỵ Điển. Các nhóm thảo luận được tổ chức sau mỗi phần trình bày của tác giả giúp cho buổi hội thảo diễn ra sôi nổi và đạt hiệu quả cao.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu về qản lý nhà nước, chủ trì và tham dự rất nhiều các diễn đàn của Liên Hợp Quốc về cải cách và quản lý nhà nước, TS. Arne Svensson đã đưa ra và phân tích chức năng cơ bản trong một Bộ, trong đó ông nhấn mạnh chức năng hợp tác quốc tế (HTQT). Căn cứ trên nhu cầu và thông lệ quốc tế, một số nước quan niệm hẹp về HTQT với việc xây dựng các quy định về hợp tác quốc tế tức là xây dựng các hoạt động ký kết các điều ước, thoả thuận HTQT, nhưng nếu xem xét lại thì đó chỉ là là hoạt động khởi điểm trong cả một quá trình lâu dài. Việc thực hiện các cam kết, điều ước HTQT mới là điều khó. Có thể nói chức năng HTQT là chức năng cơ bản của bộ máy kinh tế nhà nước trong nền kinh tế mở toàn cầu.

Thực hiện chức năng phân tích chính sách, cần quan tâm đến bối cảnh chính sách được hoạch định, tạo điều kiện cho các nhà chính trị ra quyết định về mặt chính sách và đặc biệt cần phải phân định rõ các nhà làm chính trị với những người thừa hành. Tại một quốc gia, việc thực thi chính sách không nhất thiết thuộc chức năng của một bộ, vai trò của bộ chỉ thể hiện ở việc hoạch định các chiến lược để thực thi các chính sách này...Việc đánh giá tác động của chính sách cũng là một trong chức năng quan trọng trong số các chức năng được tác giả nêu ra. Cần phải sử dụng tư liệu khoa học thu thập được làm tài liệu nền cho các phân tích chính sách, tránh việc phân tích chính sách không dựa vào căn cứ khoa học. Các quyết sách về chính trị cần đưa ra trên cơ sở số liệu khoa học, dùng được cả trước mắt và lâu dài. Trong phần thảo luận, có nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay việc theo dõi và đánh giá tác động chính sách của các bộ ngành tại Việt Nam hiện nay chưa được chú trọng thực hiện...đó là một trong những nguyên nhân khiến cho một số chính sách khó có được sự đồng thuận cao.

Trong cải cách quản lý nhà nước, Arne Svensson đã phân tích các hình thức phi tập trung hoá bao gồm tản quyền, uỷ quyền và trao quyền và nêu rõ: Ở một số nước phát triển, chính quyền địa phương thực hiện việc quản trị và điều hành tại địa phương, bao gồm cả khả năng huy động nguồn lực địa phương, hoạch định mục tiêu xã hội và xây dựng mối quan hệ với các tổ chức xã hội khác.

Tiến trình cải cách phụ thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia, ví dự ở Thuỵ Điển tiến trình này trải qua 4 bước cơ bản như sau:

Thứ nhất: xác định tất cả các yếu kém mang tính quan liêu truyền thống: lãng phí, hoạt động không cần thiết, các quy định quá phức tạp, các chức năng trùng lặp và chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng, quá trình ra quyết định chậm và mang nặng tính chỉ đạo tập trung, quyền lực bị phân chia, các tiêu chuẩn hoạt động không rõ ràng, thiếu thông tin về kết quả và chi phí. Việc cải cách sẽ tập trung vào các yếu tố như xóa bỏ các hệ thống báo cáo lỗi thời, loại bỏ các hoạt động tốn kém do chính phủ thực hiện khi biết rõ nếu mua từ bên ngoài sẽ rẻ hơn, cũng như xóa bỏ các dịch vụ phổ thông miễn phí của các đơn vị công.

Thứ 2: cải cách tập trung vào việc hiện đại hóa chung công tác quản lý các dịch vụ công. Mục tiêu là nhằm chuyển từ hệ thống hành chính dựa trên người sản xuất sang hệ thống quản lý dựa trên kết quả có tăng cường hiệu quả hoạt động. Điều này sẽ cung cấp phương thức định lượng về kết quả và chi phí trên cơ sở năm, và đưa ra những phương pháp sử dụng nguồn nhân lực và tài chính tốt hơn. Pha này phụ thuộc vào bản chất quản lý theo mục tiêu, được coi là biện pháp tốt nhất và chịu ảnh hưởng mạnh từ những kinh nghiệm của khối tư nhân .

Thứ 3: quản lý hoạt động bao gồm việc thay đổi thái độ, thói quen và suy nghĩ trong chính phủ, để từ đó việc cải thiện liên tục được phổ biến và hình thành nên một thói quen tìm kiếm phương thức sử dụng đồng tiền hiệu quả hơn và càng ngày nâng cao chất lượng dịch vụ:

 Tập trung vào trách nhiệm quản lý hoạt động bằng cách xác định rõ các mục tiêu và nhiệm vụ

 Duy trì chính sách, chiến lược và các quyết định quan trọng tại cấp trung ương, nhưng ủy nhiệm các quyết định mang tính thực thi tới đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả, và

 Thiết lập quy trình thông qua các biện pháp đánh giá hiệu quả hoạt động và “hợp đồng” (cam kết) giữa cấp trung ương với các đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả của chương trình tại cấp địa phương.

Thứ 4: tái tổ chức về mặt cấu trúc vĩ mô các hệ thống cung cấp dịch vụ công. Một tiến trình quản lý vĩ mô luôn đòi hỏi phải có những điều chỉnh về cấu trúc vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của các tổ chức cá nhân. Một đặc điểm của phương pháp quản lý mới là khả năng đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm của các bên liên quan. Do đó, mặc dù có thể không hiện diện trước đó, nhưng nhiệm vụ của cải cách là xác định và hỗ trợ quá trình phát triển của các quan hệ đối tác địa phương (các tổ chức dựa vào cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, khối tư nhân)

4 bước của tiến trình cải cách hiện diện ở nhiều quá trình cải cách trên thế giới, tuy nhiên tại mỗi quốc gia, không nhất thiết phải theo tiến trình chính xác như thế này.


Hoàng Ngân - Phạm Văn Hanh (Agroinfo/Ipsard)

Tin khác