Hội thảo Mô hình nông thôn mới giúp nông dân tham gia vào thị trường: chiến lược từ trang trại đến bàn ăn

14/05/2007

Ngày 9 tháng 5 năm 2007, hội thảo "Mô hình nông thôn mới giúp nông dân tham gia vào thị trường: chiến lược từ trang trại đến bàn ăn" do Trung tâm Phát triển Nông thôn (Rudec) phối hợp với UBND huyện Nam Sách (Hải Dương) tổ chức đã diễn ra tại UBND Huyện Nam Sách - Hải Dương.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD), Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Viện Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, các chuyên gia nông nghiệp quốc tế và các hộ nông dân huyện Nam Sách.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những khó khăn, thách thức đó là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong và ngoài nước. Trước nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm sạch, một số hộ nông dân chăn nuôi tại huyện Nam Sách (Hải Dương) đã nhanh chóng nắm bắt thị trường và tiến hành xây dựng các trang trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ an toàn. Tuy nhiên các hộ nông dân này đang gặp nhiều khó khăn về vốn, về công tác tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại.

Nhằm hỗ trợ các tác nhân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, Trung tâm Phát triển Nông thôn (Rudec) đã tiến hành nghiên cứu "mô hình hợp tác của nông dân và tổ chức ngành hàng" theo chiến lược "từ trang trại đến bàn ăn". Đây là một cơ sơ quan trọng để rút ra các bài học thực tiễn, phục vụ cho việc xây dựng chính sách phát triển nông thôn trong giai đoạn mới.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu lấy ý kiến trao đổi, đóng góp từ nhiều tác nhân khác nhau nhằm đưa ra giải pháp xây dựng các trang trại và cơ sở giết mổ sạch, an toàn ở nông thôn. Chiến lược quản lý chất lượng được áp dụng từ khâu sản xuất đến cơ sở giết mổ, người tiêu dùng và bàn ăn. Trong chiến lược này, vai trò của các hộ nông dân và các tổ chức hợp tác của họ được đặc biệt nhấn mạnh bởi hơn ai hết đây là những tác nhân giữ vai trò quyết định tới chất lượng của các sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, vai trò của các tác nhân khác tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm chăn nuôi (cơ quan nghiên cứu, xúc tiến thương mại, quản lý nhà nước, v.v...) cũng được xác định một cách rõ ràng đặt trong mối quan hệ với các hộ nông dân và các tổ chức hợp tác của họ.


Trần Lan Phương (Agroinfo)

Tin khác