TBKTSG: Giáo sư đánh giá như thế nào, khi có ý kiến cho rằng “khoảng cách” giữa gạo Việt Nam và Thái Lan không còn quá xa?
- GS.TS. Võ Tòng Xuân: Việc rút ngắn khoảng cách về giá trong thời gian gần đây chỉ nhất thời là do cung cầu gạo thế giới! Thái Lan vẫn sẽ là nước xuất khẩu gạo rất mạnh, cả về giá, dù rằng nông dân Thái Lan thậm chí dở hơn nông dân mình về kỹ thuật canh tác.
Lý do đơn giản là Việt Nam chưa có những thương hiệu gạo nổi tiếng. Thời gian qua, cũng có một vài thương hiệu “coi được” như Sohafarm (Công ty Nông nghiệp Sông Hậu, Cần Thơ), Kim Kê (Công ty TNHH Minh Cát Tấn, TPHCM)... nhưng cũng chưa vươn tới được những nơi xa. Tôi đã đi nhiều nước, nhưng hầu như chỉ có người Việt sinh sống bên đó mới biết tới một vài cái tên “nổi tiếng” của gạo Việt Nam như Nàng Thơm Chợ Đào... Còn người nước ngoài hầu như không biết tới. Không có thương hiệu thì làm sao nghĩ đến việc bán giá cao hơn.
TBKTSG: Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu, trong khi gạo, vốn là mặt hàng xuất khẩu truyền thống và chủ lực, lại chưa có thương hiệu?
- Nhiều khâu như sản xuất, áp dụng kỹ thuật cho tới phát triển thương hiệu... bị cắt ra thành nhiều mảng, không ráp lại được. Nông dân cứ người này trồng giống này, người khác trồng giống khác. Trên cùng một cánh đồng có nhiều loại giống khác nhau. Thực tế là Việt Nam có hàng trăm giống lúa. Rồi nông dân bón nhiều loại phân không đúng là... phân vì tin vào quảng cáo của nhà sản xuất, dẫn đến sâu bệnh nhiều rồi cũng phải phun thuốc trừ sâu nhiều. Hệ quả là sản phẩm không đạt chất lượng.
Thương lái nắm phần lớn kênh mua lúa gạo tại nông hộ, nhưng họ làm gì có kho, có sân phơi. Vậy là cứ phơi ngoài đường, trộn lại nhiều giống thành đống. Ở ĐBSCL, phần lớn gạo qua xay xát lại được đưa sang miệt Cái Bè (Tiền Giang) và khi nào có doanh nghiệp đặt hàng, chủ kho mới đem đánh bóng rồi đưa ra cảng. Gạo thành phẩm như vậy thì làm gì có ai dám dán nhãn thương hiệu.
Từ năm 2000 đến nay, năm nào tôi cũng đi dự hội nghị thương mại gạo quốc tế và cũng chừng ấy lần nhận được lời than phiền từ các đại biểu nước ngoài. Nôm na là họ nói: “Nhờ anh về nói lại với các doanh nghiệp Việt Nam nên xuất khẩu loại gạo “rặt” giống, chứ ai lại 2-3 giống trong một bao!”.
Trong khi đó, Thái Lan chỉ làm một vụ và chỉ với 2-3 loại giống, dễ kiểm soát chất lượng. Dù làm một vụ nhưng diện tích trồng của họ gấp đôi Việt Nam, dân số cũng chỉ khoảng 60 triệu, nên nguồn gạo xuất khẩu vẫn rất dồi dào.
TBKTSG: Điểm yếu đã thấy, nhưng vì sao chúng ta vẫn chưa khắc phục được?
- Bởi không ai chỉ đạo, mặc nông dân cứ làm gì thì làm. Rồi nông dân cũng cứ áp dụng kỹ thuật theo ý họ. Báo chí, các nhà khoa học cứ khuyến cáo, nhưng hàng trăm công ty sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón lại “vô tư” quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, nên nông dân không thống nhất việc chọn lựa, cứ nghe ai thì nghe. Xịt không biết bao nhiêu thứ thuốc, mà chất lượng phân bón, thuốc sâu khi đã đưa ra bên ngoài nhà máy hầu như không ai kiểm định. Trong khi đó, tiếng nói của Nhà nước lại rất lu mờ trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo sản xuất...
Ngay cả cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay cũng vô tình khống chế sáng kiến của các tỉnh. Hầu như mọi hợp đồng đều do Tổng công ty Lương thực Việt Nam (Vinafood) đứng ra đấu thầu, nhiều lúc “bỏ đại” giá để nhận thầu, rồi bắt doanh nghiệp các tỉnh chia lỗ từ việc giao lại các hợp đồng cung ứng. Mà đã lỗ, thì làm sao dám mua gạo tốt. Địa phương muốn cho dân làm gạo tốt, thuần một giống cũng biết bán cho ai?
TBKTSG: Nhưng tự các doanh nghiệp vẫn có thể tính chuyện xây dựng vùng nguyên liệu riêng, áp dụng kỹ thuật đồng nhất... để xây dựng thương hiệu cho mình?
- Cái khó hiện nay là những doanh nghiệp có ý tưởng ấy, như Công ty Minh Cát Tấn với thương hiệu gạo Kim Kê, lại có tiềm lực yếu. Tôi đã cố vấn khá nhiều cho công ty này, nhưng có lẽ cũng chỉ dám xây dựng vùng nguyên liệu nhỏ do không có thị trường lớn. Trong khi đó, các công ty lương thực ở các tỉnh lại phụ thuộc nhiều vào Vinafood nên khó tính chuyện “đi” riêng.
TBKTSG: Giả sử có một doanh nghiệp lớn sẵn sàng làm điều đó, theo giáo sư, họ nên bắt đầu từ đâu?
- Ngoài việc chọn giống đồng nhất, thì phải đột phá ngay vào khâu kỹ thuật. Nên áp dụng đồng nhất tiêu chuẩn VietGAP. Và trong khi chuẩn bị kỹ thuật, cũng phải chuẩn bị vùng nguyên liệu, có thể đáp ứng nhu cầu của một hoặc nhiều doanh nghiệp. Những hộ dân nằm trong vùng nguyên liệu phải được huấn luyện, khi thực hiện nếu không tuân thủ những khuyến cáo kỹ thuật thì không được mua gạo với giá cao.
Theo tôi, nên áp dụng mô hình giống như Công ty Mía đường Lam Sơn, đó là nông dân trồng mía đều có cổ phần ở nhà máy. Khi đó, nông dân cảm thấy có trách nhiệm, bán sản phẩm cho nhà máy là một cách đóng góp để tăng đồng lời của chính mình. Gạo cũng vậy, nên tạo những mối liên kết để nông dân tự thấy trách nhiệm phải bán gạo cho doanh nghiệp đứng ra xây dựng vùng nguyên liệu. Ngoài mua lúa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn với giá cao hơn thị trường đôi chút, đến khi cuối năm kết toán nếu có lãi nhiều cũng nên chia phần cho nông dân. Khi đó, doanh nghiệp nói, nông dân sẽ tin và nghe theo. Còn phía doanh nghiệp, có được gạo “rặt” giống, chất lượng cao và đồng đều thì mới tự tin dán nhãn hiệu và khuếch trương, quảng bá thương hiệu
(Nguồn: Thời báo kinh tế Sài gòn)