BỐI CẢNH
Nhằm hỗ trợ công cuộc xoá đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn vùng cao Việt Nam, Chính phủ Đan Mạch đã tài trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 5 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Đắc Lắc và Đắc Nông dự án ”Hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn (ARD SPS) giai đoạn 2007-2012. Mục tiêu phát triển của dự án là giảm đói nghèo ở vùng nông thôn, đặc biệt là giữa các dân tộc thiểu số, thông qua phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, đặt trọng tâm vào các khu vực miền núi. Mục tiêu ngắn hạn là "Phúc lợi của các hộ gia đình nông thôn miền núi tăng trưởng bền vững nhờ cải thiện công tác quản lý nguồn lực, hoạt động sản xuất và marketing trong nông nghiệp, chú trọng tới nông dân nghèo miền núi, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số”. Dự án gồm 2 hợp phần là Hợp phần Trung ương do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện và Hợp phần tỉnh do 5 tỉnh dự án thực hiện. Hợp phần Trung ương gồm 2 tiểu hợp phần. Tiểu hợp phần 1 “Xây dựng chính sách và chiến lược” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện và Tiểu hợp phần 2” Các phương pháp tiếp cận mới cho sinh kế vùng cao” do Vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường thực hiện.
Hiện nay, các nghiên cứu kinh tế chính sách cho NN và PTNT miền núi còn rất hạn chế, tản mạn và không theo chương trình dài hạn. Điều này hạn chế hiệu quả, tính khả thi của các đề xuất chính sách cho khu vực này. Chính vì vậy, dự án đã dành ngân sách riêng cho các nghiên cứu về chính sách và kinh tế xã hội cho khu vực và sẽ thành lập một Nhóm các cơ quan nghiên cứu tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện các nghiên cứu chính sách nông nghiệp nông thôn vùng cao của Tiểu hợp phần 1.
Tây Nguyên đang đối mặt với hiện tượng dân di cư ồ ạt, chủ yếu là đồng bào dân tộc từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Di cư tự do dẫn đến hiện tượng thiếu đất sản xuất, phá rừng làm nương rẫy. Điều kiện điện đường, trường, trạm không đáp ứng đủ. Mâu thuẫn về lợi ích, văn hóa, xã hội giữa đồng bào dân tộc tại chỗ và đồng bào dân tộc di cư đến ngày càng gia tăng gây bất ổn xã hội.
Chính vì thế, cần có nghiên cứu cụ thể về tác động tác động của vấn đề di cư tới kinh tế xã hội của dân tộc thiểu số tại chỗ Tây nguyên, qua đó có chính sách hạn chế các tác động tiêu cực của hiện tượng này.
NỘI DUNG
+ Nghiên cứu, phân tích tình hình nhập cư vào Tây Nguyên từ 1990 đến nay
+ Đánh giá tác động của nhập cư đến đời sống kinh tế, xã hội của một số dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên
+ Đề xuất chính sách hạn chế tác động tiêu cực của hiện tượng nhập cư vào các tỉnh Tây Nguyên và phát huy hiệu quả tích cực.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Thu thập, tổng hợp tài liệu
- Phân tích, đánh giá tài liệu
- Khảo sát thực địa
- Phỏng vấn thu thập thông tin
THỜI GIAN NGHIÊN CỨU
Thời gian nghiên cứu từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2009
YÊU CẦU NHÓM NGHIÊN CỨU
- Tiến hành nghiên cứu theo đúng tiến độ của kế hoạch
- Thực hiện hoạt động nghiên cứu dưới sự giám sát của Ban quản trị nghiên cứu
- Đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu quy định
- Báo cáo và giao nộp sản phẩm đúng thời hạn