Báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình Hỗ trợ ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, Giai đoạn 2007-2012 do Đan Mạch tài trợ

30/03/2009

“Cải thiện an ninh lương thực và mức sống của nông dân nghèo vùng cao, đặc biệt là của các dân tộc thiểu số, thông qua cải thiện quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và bằng kỹ thuật canh tác vùng cao”. I. Tổng quan về chương trình Hỗ trợ ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2007-2012, hợp phần tỉnh Điện Biên.

Chương trình Hỗ trợ Ngành Nông nghiệp & PTNT do DANIDA (Đan Mạch) tài trợ gồm hợp phần cấp Trung ương và hợp phần cấp tỉnh. Các tỉnh tiếp nhận hỗ trợ của Chương trình bao gồm: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu Đắk Lắk, Đắk Nông

Mục tiêu phát triển của hợp phần cấp tỉnh là: “Cải thiện an ninh lương thực và mức sống của nông dân nghèo vùng cao, đặc biệt là của các dân tộc thiểu số, thông qua cải thiện quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và bằng kỹ thuật canh tác vùng cao”.

Nội dung của hợp phần chương trình cấp tỉnh Điện Biên, bao gồm 3 tiểu hợp phần chính sau:

1. Tiểu hợp phần I: Khuyến nông dựa trên nhu cầu, chia sẻ thông tin và đào tạo, tập huấn cho nông dân và xây dựng năng lựcTập huấn cho nông dân, khuyến nông và thông tin.

2. Tiểu hợp phần II: Sản xuất, bảo quản, chế biếnHỗ trợ cải thiện các công nghệ sau thu hoạch, bán hàng và marketing.

3. Tiểu hợp phần III: Hỗ trợ xây dựng năng lực và lập kế hoạch địa phương và Xây dựng năng lực từ cấp thôn bản đến cấp tỉnh.

Ngoài ra, còn có một số hỗ trợ cho các hoạt động chuẩn bị và quản lý. Hỗ trợ dựa trên nguyên tắc lập kế hoạch từ dưới lên, khuyến nông dựa trên nhu cầu, khuyến nông theo nhóm thông qua các nhóm nông dân sở thích, đào tạo tiểu giảng viên và phương pháp nông dân tập huấn cho nông dân. Một chiến lược chủ đạo khác là thu hút sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và khu vực tư nhân tham gia thực hiện Hợp phần và tăng cường năng lực trong khối quản lý công để hỗ trợ sự tham gia của các nhóm ngành trên. Bên cạnh đó, hỗ trợ còn nhấn mạnh đến một loạt các vấn đề liên ngành như môi trường, dân tộc, giới và HIV/AIDS.

Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là: 6,25 triệu USD. Trong đó: Vốn ODA do Đan Mạch tài trợ là 37,01 triệu DKK, tương đương với 5,97 triệu USD (95.515 triệu VNĐ); Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1,75 triệu DKK, tương đương với 0,28 triệu USD (4.505 triệu VNĐ).

II. Tiến trình thực hiện và các hoạt động đã triển khai của tỉnh Điện Biên

1. Tiến trình thực hiện

Sau chuyến thăm và làm việc của Tham tán Đại sứ Quán Đan Mạch tại tỉnh Điện Biên ngày 23 tháng 8 năm 2005, UBND tỉnh đã cùng Đại sứ Quán Đan Mạch đưa ra những định hướng, nhận định và thống nhất chung về việc Đại sứ Quán Đan Mạch sẽ có những chương trình, hành động hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong khuôn khổ, điều kiện cùng hợp tác và phát triển giữa hai Chính phủ (Việt Nam, Đan Mạch). Tiếp đó hai bên đã cùng nhau xây dựng và thông nhất trình Chính phủ hai nước về văn kiện Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp & PTNT giai đoạn 2007 – 2012, Hợp phần tỉnh Điện Biên.

Ngày 11 tháng 12 năm 2007 tại Hà Nội, Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã được đại diện Chính phủ 2 nước Việt Nam và Đan Mạch ký kết, bao gồm một hợp phần Trung ương và một hợp phần cấp tỉnh (trong đó: Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tiến hành ký kết văn kiện hợp phần cấp trung ương dự án DANIDA, và đại diện UBND tỉnh Điện Biên đã tiến hành ký kết văn kiện hợp phần cấp tỉnh).

Song song với các hoạt động trên, các hoạt động tiền khả thi và khởi động chương trình đã được triển khai thực hiện tại tỉnh Điện Biên như: tiếp nhận một số tài sản do DANIDA hỗ trợ; tổ chức thành công 6 lớp học tiếng Anh cho cán bộ ngành nông nghiệp và các cơ quan cung cấp dịch vụ trong tỉnh (trong đó có 1 lớp trình độ B và 5 lớp trình độ A tại Trường Cao đẳng Sư Phạm tỉnh và 3 huyện: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo).

2. Các hoạt động đã triển khai

2.1. Hoàn thành hệ thống tổ chức

- Thành lập Ban chỉ đạo, Ban Quản lý Chương trình cấp tỉnh và các Ban Quản lý chương trình cấp huyện;

- Trình đại sứ Quán Đan Mạch bổ sung huyện Mường Ảng tham gia chương trình;

- Xây dựng Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo và Ban Quản lý chương trình cấp tỉnh thông qua Ban Chỉ đạo và Đại Sứ Quán Đan Mạch tham gia ý kiến, trình UBND tỉnh ban hành;

- Xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và PTNT, Đại sứ quán Đan Mạch kế hoạch thực hiện chương trình năm 2008, 2009;

- Chuẩn bị cơ sở vật chất cho Ban Quản lý cấp tỉnh và cấp huyện hoạt động.

- Thực hiện thông báo và đã tuyển dụng được các vị trí hỗ trợ chương trình bao gồm: 04 cán bộ hỗ trợ Ban Quản lý cấp huyện, 01 cán bộ thư ký kiêm phiên dịch, 01 cán bộ hỗ trợ BQL cấp tỉnh và 01 kế tóan hỗ trợ.

2.2. Tổ chức và tham gia các cuộc Hội thảo về Chương trình

- Tham gia Hội thảo Khởi động Chương trình do Ban Quản lý Hợp phần Trung ương (PHTW), Viện Chính sách và Chiến lược PTNT tổ chức tại Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 21/02/2008 nhằm giới thiệu về chương trình, cơ chế phối hợp giữa HPTW và HP cấp tỉnh, cơ chế quản lý dự án và quản lý tài chính, đồng thời tìm kiếm các đối tác thực hiện dự án.

- Tổ chức Hội thảo chương trình tại tỉnh Điện Biên ngày 10/3/2008, qua đó đã giới thiệu về chương trình cho các cấp, các ngành liên quan và các cơ quan cung cấp dịch vụ. Thông qua buổi hội thảo này để tìm kiếm các đối tác cung cấp dịch vụ giúp cho việc thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Kết quả của hội thảo đã lựa chọn được một số nhà cung cấp dịch vụ tiềm năng và có đủ các tiêu chí để tham gia vào các hoạt động chương trình.

- Tham gia Hội thảo về Biến đổi khí hậu được tổ chức tại Hà Nội tháng 9/2008 và tại tỉnh Lao Cai tháng 11/2008.

2.3. Xác định được các nhà cung cấp DV chính của Chương trình

Một số cơ quan ngoài tỉnh

- Trường Đại học Tây Bắc;

- Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội;

- Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên;

- Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế;

- Viện Khoa học Nông nghiệp miền núi phía bắc;

- Trung tâm khoa học lâm nghiệp Tây-bắc;

Các cơ quan trong tỉnh:

- Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật tổng hợp;

- Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên;

- Trường Trung cấp nghề tỉnh Điện Biên;

- Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Điện Biên;

- Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.

Các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và PTNT:

+ Các Trung tâm: Khuyến nông, Thủy sản, Phát triển chăn nuôi; Các Chi cục: Thú y, Bảo vệ thực vật; Lâm nghiệp; Các Công ty: Giống Nông nghiệp, Thủy nông; Đoàn ĐTQH lâm nghiệp...

2.4. Xây dựng và ban hành tiêu chí nhà cung cấp dịch vụ

Dựa vào yêu cầu cụ thể của các hoạt động trong văn kiện chương trình và căn cứ vào các quy định hiện hành, Ban Quản lý cấp tỉnh lựa chọn các nhà cung cấp dịch có đủ trình độ và kinh nghiệm. Trước mắt, Ban Quản lý Chương trình đã xây dựng các tiêu chí lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ có đủ tiêu chuẩn và trình độ để giúp thực hiện từng tiểu hợp phần chương trình. Một số các tiêu chí chủ yếu là:

- Ít nhất các ứng cử viên phải có bằng cử nhân về các lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp, xã hội.

- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc thực tế, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn tốt, nhanh nhạy với từng điều kiện hoàn cảnh công việc để có thể đáp ứng từng nội dung cụ thể của các hoạt động chương trình, đặc biệt là đã có thành quả tốt trong việc thực hiện các hoạt động này tại các chương trình, dự án trước đây.

- Đặc biệt ưu tiên những người có khả năng giao tiếp bằng tiếng của các nhóm người thiểu số: Thái, H' Mông,… và ưu tiên với đối tác đã từng tham gia vào các dự án phát triển khu vực miền núi Tây Bắc, am hiểu kiến thức bản địa,…

Qua kết quả đánh giá và tìm hiểu thêm các thông tin về kinh nghiệm thực tế làm việc của các nhà cung cấp dịch vụ, bước đầu Ban quản lý đã nhận được các bản đăng ký và giới thiệu về năng lực, khả năng thực hiện dự án của một số đối tác tiềm năng, có đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu chương trình đặt ra như:

- Trường Đại học Tây Bắc;

- Trường đào tạo cán bộ Quản lý nông nghiệp I, Hà Nội;

- Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội;

- Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên;

- Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế;

- Viện Khoa học Nông nghiệp miền núi phía bắc;

- Trung tâm khoa học lâm nghiệp Tây-bắc;

- Trường trung cấp lâm nghiệp Sơn La.

- Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Điện Biên;

- Trung tâm PED Việt Nam;

2.5. Hỗ trợ hoạt động của Ban Quản lý cấp huyện

BQL cấp tỉnh làm việc với Ban Quản lý 4 huyện: Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên Đông và Mường Ảng.

Kết quả cho thấy, cả bốn huyện đều đã kiện toàn hệ thống tổ chức hành chính, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như sau:

+ Các thành viên trong Ban điều phối chưa được phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình và còn băn khoăn, chưa biết việc thực hiện chương trình sẽ bắt đầu từ đâu, như thế nào và còn lệ thuộc, trông chờ hướng dẫn cụ thể từ cấp tỉnh.

+ Vốn đối ứng và vốn thực hiện của Chương trình năm 2008 được phân bổ muộn nên cấp huyện gặp khó khăn trong triển khai một số các hoạt động trong nội dung văn kiện chương trình mà huyện có thể tự tiến hành được.

+ Các huyện đều nhận định rằng định mức chi tiêu cho từng hoạt động theo chế độ tài chính của Chính phủ Việt Nam trong khi chưa có một hướng dẫn và quy định riêng cho chương trình nên rất khó thực hiện, nhất là khi giao về cho các huyện tự thuê và ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ.

2.6. Tổ chức các khóa tập huấn và xây dựng kế hoạch hoạt động

Trong tháng 11 năm 2008, Ban Quản lý chương trình tỉnh Điện Biên đã tiến hành mời được giảng viên của 2 trường Đại học thực hiện mở 3 lớp tập huấn, cụ thể: 01 lớp Tập huấn TOT tại cấp tỉnh cho 22 học viên (Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội), 01 lớp tập huấn về Quản lý và điều hành dự án cho 30 học viên là thành viên của BQL chương trình cấp tỉnh và 4 huyện (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) và 01 lớp Tập huấn TOT cấp huyện cho 15 học viên của huyện Tuấn Giáo (Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội).

3. Cơ chế quản lý tài chính và tiến độ giải ngân

3.1. Cơ chế quản lý tài chính

Do nguồn kinh phí của chương trình được hòa vào nguồn ngân sách, nên mọi thủ tục chi tiêu tài chính đều tuân thủ theo chế độ tài chính hiện hành của Chính phủ Việt Nam.

Hiện nay, Ban quản lý chương trình cấp tỉnh (PMU) và Ban điều hành của 4 huyện đã mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước tỉnh và Kho bạc các huyện đồng thời tiến hành xây dựng dự toán kinh phí cho các hoạt động cuối năm 2008 trình Tài chính các cấp duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

3.2. Tiến độ giải ngân

Căn cứ vào văn kiện chương trình đã được ký kết và tiến độ dự án. Ban Quản lý chương trình đã xây dựng kế hoạch ngân sách dự án và các công việc cần thực hiện trong năm tại tỉnh Điện Biên trình Ban Chỉ đạo và Đại sứ quán phê duyệt. Ngày 22/02/2008, UBND tỉnh Điện Biên đã ký quyết định số 202/QĐ-UBND về việc “phê duyệt kế hoạch năm 2008 dự án Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp & PTNT, giai đoạn 2007 – 2012” và ngày 30/9/2008 đã ký quyết định số 1390/QĐ-UBND về việc “Phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp & PTNT năm 2008 cho Ban Quản lý dự án ARD SPS tỉnh và các huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông với tổng số tiền theo kế hoạch là 38.936 triệu đồng (trong đó: Kinh phí do DANIDA hỗ trợ là 37.330 triệu đồng, kính phí đối ứng của tỉnh là 1.606 triệu đồng).

Nhưng kế hoạch phân bổ ngân sách trên phải điều chỉnh và phân bổ lại theo công văn số 2090/BNN - TC của Bộ Nông nghiệp & PTNT ngày 21/7/2008 về việc “Phân bổ dự toán chi ngân sách từ nguồn viện trợ Đan Mạch đợt I năm 2008 cho ARD SPS” và Thông tri duyệt y dự toán của Vụ Ngân sách Bộ Tài chính ngày 11/8/2008 với số tiền từ nguồn viện trợ Đan Mạch là 4.660,365 triệu đồng.

Hiện nay số kinh phí trên đã được phân bổ cho Ban Quản lý tỉnh và 4 huyện để kịp triển khai các hoạt động trong các tháng cuối năm 2008.

4. Hoạt động dự kiến tháng 12 năm 2008

Ban Quản lý cấp tỉnh và 4 huyện đã xây dựng xong kế hoạch thực hiện các hoạt động trong tháng 12/2008, cụ thể trên các lĩnh vực: Mở 3 lớp tập huấn TOT cho cấ huyện tại 3 huyện Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Ảng; mở 4 lớp tập huấn về Lập kế hoạch và tiến hành lập kế hoạch cho mộ số thôn bản được lựa chọn; Mở một số lớp tập huấn về các chuyên đề nhận thức về giới, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS,...

III. Những vấn đề còn vướng mắc và kiến nghị

1. Những vấn đề còn vướng mắc

1.1. Về Kinh phí

Hiện tại Ban Quản lý cấp tỉnh và cấp huyện tuy đã được cấp kinh phí của Chương trình để hoạt động, nhưng chưa có hướng dẫn về cơ chế chi tiêu tài chính của chương trình nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận dụng và áp dụng các chế tài, định mức chung thống nhất của chương trình để thực hiện.

Ngân sách hoạt động cho năm 2008 tuy đã được cấp nhưng muộn, trong khi sổ tay hướng dẫn quản lý tài chính của chương trình chưa có, định mức áp dụng cho chương trình chưa được rà soát và thống nhất (vì có nhiều văn bản, quy định khác nhau) nên Ban quản lý chương trình các cấp còn gặp nhiều khó khăn trong lập và duyệt dự toán với cơ quan tài chính.

1.2.Về định mức chi tiêu

Các Đơn vị cung cấp dịch vụ đưa ra định mức chi cho các hoạt động giảng dạy, tập huấn, cao hơn rất nhiều so với định mức được quy định trong Quyết định số 61 của Bộ Tài chính ban hành ngày 02/11/2006 Về việc ban hành một số các định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình có sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)". Đặc biệt chương trình không được áp dụng định mức chi tiêu của UNDP/EU do đó rất khó cho việc ký kết hợp đồng thuê khóan chuyên môn với các đơn vị cung cấp dịch vụ và các chuyên gia có năng lực. Đến nay do định mức chi trả cho giảng viên các lớp tập huấn theo định mức của tài chính Nhà nước Việt Nam thấp nên mới chỉ có 2 Trường Đại học (Đại học Nông nghiệp I hà Nội và Đại học Nông lâm Thái nguyên) nhận thực hiện cho chương trình một số lớp tập huấn ban đầu.

Học viên tham gia lớp tập huấn là những cán bộ hưởng lương nên không có chế độ phụ cấp dẫn đến họ thiếu nhiệt tình tham gia các khóa học do chương trình tổ chức.

1.3. Việc tuyển dụng cán bộ hỗ trợ

Ban Quản lý cấp tỉnh và cấp huyện do thời gian hợp đồng ngắn hạn (2 năm) và mức lương chi theo quyết định 61/2006/QĐ-BTC quá thấp nên chỉ tuyển dụng được 04 kỹ sư mới ra trường hỗ trợ Ban quản lý cấp huyện, 01 cán bộ thư ký kiêm phiên dịch, 01 cán bộ hỗ trợ BQL cấp tỉnh và 01 kế tóan hỗ trợ. Do đó trong quá trình triển khai thực hiện các cán bộ hỗ trợ này cần một quá trình đào tạo và thích nghi dần với công việc mới.

2. Đề xuất, kiến nghị

Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn thủ tục chi tiêu tài chính thực hiện chương trình.

Định mức chi tiêu tài chính của Chương trình nên được áp dụng theo định mức chung của UNDP/EU vì tuy văn kiện được ký kết sau thời điểm tháng 10/2007 nhưng thời điểm xây dựng, thiết kế chương trình lại được tiến hành từ năm 2005, và trong quá trình thiết kế, xây dựng dự án có sử dụng các định mức chi tiêu của các NGO, các dự án đã và đang triển khai tại tỉnh Điện Biên.

Trên đây là báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình Hỗ trợ ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh Điện Biên đến thời điểm 30/11/2008.


(Báo cáo tiến độ hợp phần tỉnh Điện Biên)

Tin khác