Ngày 16 tháng 12 năm 2010, hội thảo “Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA): Triển vọng tăng cường quan hệ thương mại” đã được Bô Công thương tổ chức.
Thành phần tham dự gồm đại diện các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu và hiệp hội ngành hàng. Mục đích của hội thảo là: (i) Giới thiệu về khối EFTA, tình hình quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khối EFTA; (ii) Tham khảo ý kiến của đại diện các cơ quan Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp về khả năng đàm phán một hiệp định tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và khối EFTA: cơ hội và khó khăn thách thức. Hội thảo đã được nghe các báo cáo về tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khối EFTA, giới thiệu về EFTA, khả năng đàm phán FTA với EFTA, triển vọng xuất khẩu dệt may sang EFTA và ý kiến của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam của các diễn giả đến từ Bộ Công thương, đại diện Ban thư ký EFTA, hiệp hội Dệt May Việt Nam và đại diện tập đoàn STXOSV tại Việt Nam (Nauy).
EFTA là khu vực mậu dịch tự do gồm 4 nước tham gia là Thụy Sỹ, Nauy, Iceland và Liechtenstein với dân số 13 triệu người. Các nước này thuộc các quốc gia phát triển có thu nhập vào loại cao nhất thế giới. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khối EFTA (chủ yếu với 2 nước Thụy sỹ và Nauy) tăng trưởng qua các năm nhưng do dung lượng thị trường nhỏ nên kim ngạch chỉ khoảng vài trăm triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam xuất khẩu sang các nước này gồm các sản phẩm dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nhựa. Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường này gồm máy móc, nguyên liệu nhựa, phân bón, thiết bị điện vv… Do có sự chênh lệnh lớn về trình độ phát triển và quy mô thị trường giữa Việt Nam và EFTA, các đại biểu cho rằng, cần tính toán một cách tổng thể giữa lợi ích kinh tế với các thách thức mà Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường. Việt Nam có thể sẽ phải đánh đổi giữa việc mở cửa thị trường với việc thu hút công nghệ cao, sự tăng cường trao đổi khoa học kỹ thuật từ khối này. Các đại biểu kiến nghị, cần có sự nghiên cứu sâu hơn nữa về những cơ hội và thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải nếu đàm phán thành lập khu vực mậu dịch tự do Việt Nam – EFTA.
Chuyên gia Phạm Thị Tước