Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Phóng viên (PV) với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hứa Đức Nhị về vấn đề nuôi hổ ở Bình dương.
PV: Thưa Thứ trưởng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý việc nuôi hổ và một số loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm ở tỉnh Bình Dương, xin Thứ trưởng cho biết đề nghị của Bộ là gì?
T.T Hứa Đức Nhị: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tại văn bản số 1258/VPCP-NN ngày 09/3/2007 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết việc nuôi nhốt hổ trái phép tại tỉnh Bình Dương, ngày 22/3/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan có liên quan để xem xét vụ việc; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trực tiếp đến thăm, nghe tâm tư nguyện vọng của giám đốc Công ty Bia Thái Bình Dương và kiểm tra hoạt động của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội.
Sau khi cân nhắc thận trọng các quy định của pháp luật, dư luận trong nước, quốc tế và tâm tư nguyện vọng của tổ chức, cá nhân đang nuôi hổ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết như sau:
1. Việc những tổ chức, cá nhân ở Bình Dương mua hổ và một số động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm không rõ nguồn gốc để nuôi nhốt là trái với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ở thời điểm mua và các văn bản pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm cũng có lý do: Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về vấn đề liên quan chưa thường xuyên, nhiều người dân và chính quyền địa phương chưa nắm vững pháp luật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không giải quyết vụ việc ngay từ đầu, để kéo dài quá lâu; bên cạnh đó một số quy định của pháp luật còn có khía cạnh chưa rõ; việc hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước của các cơ quan có chức năng tỉnh Bình Dương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa sâu sát, kịp thời.
Mặt khác, Công ty Bia Thái Bình Dương khi mua hổ lần đầu và các lần hổ đẻ có báo cáo cho đại diện chính quyền địa phương, nuôi công khai, có chuồng trại, chăm sóc vật nuôi tốt.
2. Hiện nay trong nước chưa có cơ sở nào khác có đủ điều kiện để nuôi hổ với số lượng lớn tốt hơn. Các cơ sở hiện có thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số địa phương đều nhằm cứu hộ động vật như “bệnh viện cho động vật hoang dã”, không có điều kiện nuôi lâu dài hoặc nuôi thích nghi trước khi trả lại hoang dã. Hiện Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn đang cứu hộ một con hổ tịch thu từ tỉnh Đồng Nai cũng là con hổ đầu tiên được đưa đến cứu hộ tại Trung tâm này.
3. Đàn hổ hiện nay đang được các tổ chức, cá nhân nuôi ở tỉnh Bình Dương hầu như không thể trả lại hoang dã.
Với những lý do như trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tổ chức và cá nhân tại tỉnh Bình Dương được tiếp tục nuôi thí điểm hổ và một số động vật nguy cấp, quý, hiếm hiện có.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương hướng dẫn các tổ chức cá nhân hiện đang nuôi hổ và một số loài động vật nguy cấp, quý hiếm lập phương án và hồ sơ đăng ký trại nuôi theo đúng quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006; đảm bảo các điều kiện về an toàn đối với người nuôi và nhân dân trong vùng, đồng thời phải an toàn đối với gia súc; chăm sóc, duy trì, phát triển động vật lâu dài phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế có liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra thực thi nghiêm các quy định pháp luật hiện hành để tiếp tục ngăn chặn tình trạng săn, bắt, mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trái phép. Mặt khác, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất Chính phủ về việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.
PV: Thưa Thứ trưởng như vậy phải chăng đã có sự không nhất quán trong đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Thủ tướng Chính phủ như Thứ trưởng vừa nói với các đề nghị trước đây là tịch thu số hổ tại tỉnh Bình Dương?
TT. Hứa Đức Nhị: Đến ngày 27/3/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có đề nghị chính thức nào về việc tịch thu số hổ đang được nuôi tại tỉnh Bình Dương.
Tôi xin nói rõ hơn là: Khi nhận được báo cáo kiểm tra của các cơ quan chức năng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận thấy những vấn đề mà tôi vừa trao đổi trên đây, Cục Kiểm lâm cũng đã cùng đại diện một số cơ quan Nội chính và Khoa học ở Trung ương họp vào ngày 15/12/2006 để xem xét, tư vấn cho Bộ biện pháp chỉ đạo giải quyết. Sau khi cân nhắc thấy rằng việc giải quyết vụ việc phải được xem xét toàn diện cả về quy định pháp luật và tình hình thực tiễn, nhận thấy có những vấn đề vượt quá thẩm quyền của cấp Bộ, do vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 3421/BNN-KL ngày 22/12/2006 xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ.
Tại báo cáo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ nêu ý kiến của Hội nghị tư vấn, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo rõ: “Sau khi nghiên cứu, thảo luận về các quy định pháp luật hiện hành, các đại biểu đã thống nhất đề nghị tịch thu toàn bộ số hổ đang nuôi nhốt bất hợp pháp, giao cho tổ chức có chức năng nuôi nhằm mục đích bảo tồn theo đúng quy định của Nhà nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.”
Tôi cũng nói thêm rằng, quan điểm giải quyết tình trạng nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên phạm vi cả nước tương tự như đề nghị đối với các trường hợp ở Bình Dương trên đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thể hiện trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ số 1937/BNN-KL ngày 04/8/2006 về việc xin chủ trương thực hiện phương án quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Như Hà( thực hiện)