Đánh giá tác động 5 năm triển khai Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đối với cơ cấu kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam

03/04/2008

Bản báo cáo “Đánh giá tác động 5 năm triển khai Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đối với cơ cấu kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam” do Bộ kế hoạch và đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện chỉ ra rằng việc thực hiện BTA đã có tác động to lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ. - Nhà xuất bản: NXB Chính trị Quốc gia

- Năm xuất bản: 2007

- Số trang: 298

Mục đích của báo cáo nhằm phân tích về tác động của Hiệp định Thương mại Việt Mỹ đối với cơ cấu kinh tế, thương mại và đầu tư nước ngoài của Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2006. Báo cáo đặc biệt chú trọng tới mối quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tới sự đóng góp của Hiệp định Thương mại đối với việc gia nhập WTO.

Theo báo cáo, trong 5 năm qua Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã thực hiện được khá nhiều những gì mà hai bên dự tính khi ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và bình thường hóa mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. Ngay từ khi Hiệp định Thương mại có hiệu lực từ ngày 10/12/2001, Hoa Kỳ đã ngay lập tức mở rộng Quy chế quan hệ bình thường/Quy chế Tối huệ quốc cho Việt Nam, cắt giảm mức thuế quan trung bình của mình đối với hàng nhập khẩu Việt Nam từ 40% xuống còn 4%, mở cửa thị trường rộng nhất và dễ tiếp cận nhất thế giới cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Tác động của Hiệp định Thương mại đối với Việt Nam không phải là sự cắt giảm rào cản thuế quan đối với hàng nhập khẩu. Trên thực tế, Việt Nam chỉ cắt giảm thuế của 261 hạng mục. Thay vào đó, tác động quan trọng nhất của Hiệp định Thương mại là động lực giúp thực hiện các chương trình cải cách có hệ thống của Việt Nam; các yêu cầu về nội dung và thời hạn mà Hiệp định đặt ra giúp Việt Nam tập trung vào một số cải cách cơ bản sau:

- Xây dựng một hệ thống luật pháp thương mại và thủ tục hành chính trên cơ sở pháp luật phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và nhu cầu của nền kinh tế thị trường;

- Thúc đẩy sự phát triển của một số ngành dịch vụ còn non trẻ;

- Tăng trưởng đầu tư và xuất khẩu thông qua việc mở cửa thị trường Hoa Kỳ.

Ngay sau khi ký Hiệp định Thương mại, hàng Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ tăng đột biến, trong năm 2002 chiếm trên 80% mức tăng trưởng chung của hàng xuất khẩu Việt Nam. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2003, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu.

Về lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã bùng nổ trong hai năm 2005 và 2006 kể từ khi Hiệp định Thương mại được ký kết. Số liệu cho thấy, từ năm 2003 đến năm 2006, đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng gần 375% với giá trị khoảng 12 tỷ USD, còn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 55%.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức trong 5 - 10 năm tới, đó là việc thực hiện có hiệu quả hơn các cải cách này trên thực tế; đầu tư tốt hơn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầnng xã hội; đặc biệt quan trọng là phải nâng cao năng lực của Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề và y tế cũng như trong các lĩnh vực giao thông vận tải, thông tin và năng lượng.

Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá sự cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam, về các cam kết của Hiệp định Thương mại trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Trung tâm thông tin xúc tiến thương mại Tp. Đà Nẵng


Tin khác