Cải tiến tổ chức sản xuất ngành café Việt Nam

30/03/2009

Cà phê là sinh kế quan trọng của đa phần người dân Tây nguyên do đây là vùng đất đắc địa cho cà phê, có vị trí địa lý thuận lợi, và văn hóa trồng cà phê bản địa lâu đời. Là một nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới, ngành hàng cà phê không chỉ là ngành hàng quan trọng của quốc gia mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là dân nghèo và dân tộc thiểu số ở Tây nguyên. Trong số các hộ nghèo ở Tây Nguyên có tới 36% trồng cà phê và trong số các hộ dân tộc có 38% số hộ trồng cà phê. BỐI CẢNH

Nhằm hỗ trợ công cuộc xoá đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn vùng cao Việt Nam, Chính phủ Đan Mạch đã tài trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 5 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Đắc Lắc và Đắc Nông dự án ”Hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn (ARD SPS) giai đoạn 2007-2012. Mục tiêu phát triển của dự án là giảm đói nghèo ở vùng nông thôn, đặc biệt là giữa các dân tộc thiểu số, thông qua phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, đặt trọng tâm vào các khu vực miền núi. Mục tiêu ngắn hạn là "Phúc lợi của các hộ gia đình nông thôn miền núi tăng trưởng bền vững nhờ cải thiện công tác quản lý nguồn lực, hoạt động sản xuất và marketing trong nông nghiệp, chú trọng tới nông dân nghèo miền núi, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số”. Dự án gồm 2 hợp phần là Hợp phần Trung ương do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện và Hợp phần tỉnh do 5 tỉnh dự án thực hiện. Hợp phần Trung ương gồm 2 tiểu hợp phần. Tiểu hợp phần 1 “Xây dựng chính sách và chiến lược” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện và Tiểu hợp phần 2” Các phương pháp tiếp cận mới cho sinh kế vùng cao” do Vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường thực hiện.

Hiện nay, các nghiên cứu kinh tế chính sách cho NN và PTNT miền núi còn rất hạn chế, tản mạn và không theo chương trình dài hạn. Điều này hạn chế hiệu quả, tính khả thi của các đề xuất chính sách cho khu vực này. Chính vì vậy, dự án đã dành ngân sách riêng cho các nghiên cứu về chính sách và kinh tế xã hội cho khu vực và sẽ thành lập một Nhóm các cơ quan nghiên cứu tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện các nghiên cứu chính sách nông nghiệp nông thôn vùng cao của Tiểu hợp phần 1.

Cà phê là sinh kế quan trọng của đa phần người dân Tây nguyên do đây là vùng đất đắc địa cho cà phê, có vị trí địa lý thuận lợi, và văn hóa trồng cà phê bản địa lâu đời. Là một nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới, ngành hàng cà phê không chỉ là ngành hàng quan trọng của quốc gia mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là dân nghèo và dân tộc thiểu số ở Tây nguyên. Trong số các hộ nghèo ở Tây Nguyên có tới 36% trồng cà phê và trong số các hộ dân tộc có 38% số hộ trồng cà phê.

Là ngành hàng có tính chất thương mại hoá cao nhưng quy mô sản xuất quá nhỏ lẻ. 90% số hộ trồng cà phê có diện tích dưới 1 ha. Điều này hạn chế khả năng áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ, khả năng xuất khẩu trực tiếp của nông dân, và hạn chế sự đóng góp của người dân vào những quyết định quan trọng đối với những chính sách ngành hàng quang trọng. Hiện nay ở Việt Nam mới có 1 hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam là đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh cà phê. Còn hơn 500.000 hộ dân chưa có tổ chức đại diện, không phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng vào quá trình ra chính sách và không có khả năng tiếp cận những nguồn thông tin quan trọng. Ở các nước trên thế giới, dù là nước sản xuất nhỏ, đều có Uỷ ban điều phối ngành hàng cà phê với đại diện của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp, hội những người chế biến, hội người sản xuất... Tuy nhiên, Việt Nam là nước sản xuất cà phê vối lớn nhất thế giới nhưng chưa có một Uỷ ban như vậy. Việc nghiên cứu bài học các nước về xây dựng uỷ ban này cũng như các hiệp hội thành viên (trước hết là hiệp hội các nhà sản xuất) là việc làm rất quan trọng để đề xuất cho Bộ xây dựng thí điểm Uỷ ban điều phối đầu tiên cho ngành hàng cà phê và sẽ là bài học cho các ngành hàng quan trọng khác như lúa gạo, cao su, hồ tiêu... Ngoài ra, việc xây dựng quỹ cà phê (coffee fund) hỗ trợ cho Uỷ ban điều phối ngành hàng thực hiện những công việc phát triển chung của ngành) cũng cần được nghiên cứu dựa trên các bài học kinh nghiệm quốc tế và trao đổi với các cơ quan có liên quan của Việt Nam cũng cần được nghiên cứu đề xuất.

Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất cải tiến tổ chức sản xuất ngành café Việt Nam là rất quan trọng nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết hiện nay

NỘI DUNG

+ Tổng quan ngành hàng cà phê ở một số nước chính

+ Tổng quan kinh nghiệm về các mô hình tổ chức ngành hàng cà phê quốc tế (uỷ ban điều phối quốc gia, hiệp hội các nhà sản xuất và quỹ cà phê)

+ Tổng quan kinh nghiệm mô hình ngành hàng khác trong nước.

+ Tìm hiểu thực trạng tổ chức ngành hàng cà phê hiện nay của Việt nam

+ Đề xuất mô hình tổ chức ngành hàng cà phê; cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban điều phối cà phê quốc gia; hiệp hội các nhà sản xuất cà phê và cơ chế quản lý, huy động vốn của quỹ cà phê.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

+ Tổng quan mô hình, tài liệu về tổ chức ngành hàng cà phê trong nước và quốc tế

+ Tham quan thực địa

+ Hội thảo, trao đổi với chuyên gia, người làm chính sách và nhóm các nhà sản xuất

THỜI GIAN NGHIÊN CỨU

Thời gian nghiên cứu từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2009

YÊU CẦU NHÓM NGHIÊN CỨU

+ Tiến hành nghiên cứu theo đúng tiến độ của kế hoạch

+ Thực hiện hoạt động nghiên cứu dưới sự giám sát của Ban quản trị nghiên cứu

+ Đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu quy định

+ Báo cáo và giao nộp sản phẩm đúng thời hạn


(IPSARD)

Tin khác