XK 2012: Tận dụng mọi cơ hội

12/01/2012

Nhiều mỹ từ đã được Tổng cục Thống kê dùng để nói về thành tích xuất - nhập khẩu của Việt Nam năm 2011: điểm sáng của bức tranh kinh tế; năm thành công nhất trong hoạt động xuất - nhập khẩu 10 năm qua... Không sai khi đánh giá như vậy, song đằng sau thành tích ấy, vẫn còn đó những nỗi lo.

Bốc xếp hàng XK tại Cảng Hải Phòng.
Tận dụng cơ hội FTA
Năm 2011, mặc dù kinh tế thế giới suy thoái nhưng tình hình xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn gặp nhiều thuận lợi: giá cả tăng cao, sức mua tương đối ổn định. Tuy nhiên, năm 2012, XK sẽ trở nên khó khăn hơn vì nhiều nguyên nhân như nợ công gia tăng tại nhiều nước, tình trạng thất nghiệp tăng, đặc biệt là tại các thị trường XK trọng điểm, có kim ngạch cao như Hoa Kỳ, EU… Mặt khác, để bảo hộ sản xuất, đồng thời hướng đến những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, nhiều nước tiếp tục dựng lên ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật.
Thành tích tăng trưởng XK vượt bậc năm 2011 còn có sự đóng góp rất lớn từ các hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương. Nếu các DN khai thác tốt hơn nữa từ việc ưu đãi thuế quan từ các hiệp định, chắc chắn hàng Việt Nam sẽ có cơ hội hiện diện nhiều hơn tại thị trường các nước. Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn chứng minh, nếu năm 2008 kim ngạch 2 chiều Hàn Quốc-Việt Nam đạt 10 tỷ USD, năm 2010 là 13,3 tỷ USD, thì đến năm 2011, kim ngạch vọt lên 18,1 tỷ USD, tăng tới 36,5%. Với đà này, nhiều khả năng năm 2012, kim ngạch 2 chiều sẽ đạt trên 20 tỷ USD.
Năm 2011, kim ngạch XK nhiều mặt hàng chủ lực của các DN Việt Nam sang EU như điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản, hạt tiêu, điều, đồ gỗ… tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, khoảng hơn 25% so với năm 2010, đạt gần 19 tỷ USD. Riêng đối với khu vực thị trường EU gồm 27 nước thành viên, hết 10 tháng đầu năm 2011, XK đạt 13,2 tỷ USD, tăng tới gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình kinh tế, tài chính ở nhiều nước EU hiện vẫn rất ảm đạm. Thời gian qua, nhiều hội nghị cấp cao đã được tổ chức nhưng chưa giải quyết được vấn đề nợ công của khu vực này. Vì vậy, dự báo, trong một thời gian dài nữa, trước mắt là trong năm 2012, nhiều nước khu vực châu Âu nói chung và EU nói riêng sẽ thắt chặt chi tiêu, cũng như việc đầu tư, đồng thời có những biện pháp bảo hộ thương mại nội khối. Trước tình hình này, để giúp các DN Việt Nam có thêm cơ hội XK hàng hóa sang EU, tạo điều kiện cho hàng Việt khẳng định được vị thế trên thị trường bằng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, vụ đang bàn biện pháp đưa hàng Việt trực tiếp vào các chuỗi siêu thị lớn ở châu Âu; phối hợp với các DN quản lý tốt chất lượng, phải giữ thương hiệu và giúp DN phát triển thương hiệu bằng một trong những cách căn bản là XK trực tiếp hàng hóa đến các chuỗi siêu thị, trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Tiếp tục những rào cản từ Hoa Kỳ
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2010, kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 14,8 tỷ USD, gấp 14 lần so với năm 2001, thời điểm Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực. Kim ngạch XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng cao, đạt bình quân 20%/năm. Hiện, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu danh sách về thị trường XK của Việt Nam. Điều này có nghĩa, thị trường Hoa Kỳ luôn là “miền đất hứa” đối với các DN XK của ta. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến, các DN trong nước đã gặp nhiều khó khăn khi bước chân vào thị trường này.
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ phụ trách thương mại thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, không thể phủ nhận thị trường Hoa Kỳ luôn có nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào, song đây cũng là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những biện pháp hạn chế nhập khẩu được áp dụng tại Hoa Kỳ nhằm vào hàng hóa Việt Nam trong thời gian qua chịu tác động bởi hoạt động vận động hành lang của các nhóm lợi ích tại Hoa Kỳ.
Tại Washington DC, có tới 12.000 người vận động hành lang chuyên nghiệp. Và đây chính là những rào cản lớn đối với hàng hóa của ta khi thâm nhập vào thị trường này. Trường hợp cá da trơn là một ví dụ. Vì không cạnh tranh được với cá da trơn của Việt Nam, các nhà nuôi cá catfish của Hoa Kỳ đã vận động và gây sức ép với đại biểu của mình tại Quốc hội Hoa Kỳ nhằm đưa vào Luật trang trại năm 2002 điều khoản cấm cá da trơn của Việt Nam mang tên catfish. Biện pháp này của họ sau đó vẫn không cạnh tranh được với cá tra và basa của ta, Hoa Kỳ lại ra “đòn” kiện bán phá giá.
Trước những “chiêu bài” mà Hoa Kỳ sẵn sàng tung ra bất cứ lúc nào đối với các mặt hàng XK của Việt Nam, ông Đào Trần Nhân khuyến cáo: “Với thị trường Hoa Kỳ, nếu giá quá rẻ có thể bị quy là bán phá giá. Cho nên các DN Việt Nam phải luôn luôn có sự phối hợp để cùng duy trì giá ở mức độ thị trường chấp nhận được nhưng lại không bị quy kết là bán phá giá. Phía Việt Nam phải hết sức nghiêm túc trong việc thuê luật sư đối chất trong vụ việc này. Bởi vì, vấn đề ở đây không phải là chống bán phá giá mà còn liên quan đến cả chống trợ cấp. Các DN Việt Nam cần cảnh giác vì đây có thể là tiền lệ cho những vụ kiện tương tự và không ngoại trừ nguy cơ lan tỏa sang các thị trường khác”.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/1/32181.html


Tin khác