TS Lê Văn Bảnh: Cần công bằng lợi ích trong chuỗi giá trị hạt gạo

27/04/2012

Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng từ nhiều năm nay xuất khẩu gạo của nước ta luôn bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường thế giới. Sản xuất lúa luôn chịu nhiều rủi ro, thiếu ổn định và người nông dân trực tiếp sản xuất luôn chịu nhiều thiệt thòi. Phóng viên Hànộimới đã trao đổi với TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - về vấn đề này.

TS Lê Văn Bảnh
Bốn nguyên nhân gây nghèo
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước, góp phần lớn nhất vào bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) và giúp Việt Nam giữ vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo. Thế nhưng, đời sống nông dân "một nắng hai sương" làm ra hạt lúa vẫn nghèo. Theo ông, vì sao có nghịch lý đó?
- Đúng là phần đông đời sống của nông dân ĐBSCL còn rất nghèo. Nhưng phải hiểu thế này: do tính cách của người nông dân ĐBSCL phóng khoáng, ít tích cóp; nhưng lớn hơn cả là bị phụ thuộc vào những lợi nhuận từ kinh tế mang lại.Kinh tế ĐBSCL tập trung vào nông nghiệp, với lúa gạo, cá tôm và cây trái. Trong đó sản lượng lúa nhiều nhất nước. So với khoảng 4 triệu tấn gạo xuất khẩu hằng năm vào những năm mới giải phóng với hơn 23 triệu tấn hiện nay mới thấy bước đột phá rất lớn trong sản xuất lúa của ĐBSCL. Thế nhưng, người trồng lúa vẫn còn nghèo. 
Theo tôi, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề trên. Thứ nhất, ở góc độ vĩ mô, lúa gạo mang trọng trách về ANLT nên để ổn định kinh tế vĩ mô, Nhà nước không thể để giá gạo nội địa tăng cao. Điều này đã xảy ra năm 2008, khi giá lúa gạo tăng lên đột biến thì Nhà nước đã cho ngưng xuất khẩu để giữ giá gạo trong nước. Giá lúa gạo tăng thì nông dân tăng thu nhập; tuy nhiên những người làm công ăn lương, cán bộ công chức là một bộ phận rất đông đảo sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho lương thực, chỉ số giá tiêu dùng cũng sẽ tăng… Nguyên nhân thứ hai là hiện nay, bà con sản xuất theo kiểu nông hộ nhỏ, theo ý muốn cá nhân, không theo chuỗi ngành hàng, không có sự đặt hàng của doanh nghiệp (DN). Do đó, khi thu hoạch bà con hoàn toàn bị thụ động. Sản phẩm bán được hay không, giá cả bao nhiêu đều hoàn toàn phụ thuộc vào DN. Thứ ba, với mức lãi trồng lúa được Nhà nước bảo đảm tối thiểu 30%, trên lý thuyết là không nhỏ với một vụ mùa 3 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thì lợi nhuận không nhiều vì nông dân sản xuất nhỏ. Ví dụ, một hộ nông dân có 1ha đất trồng lúa, một năm làm 2 vụ, thu hoạch được khoảng 12 tấn. Nếu cho là mức lãi lên đến 50% thì sẽ lãi được 6 tấn lúa. Lấy giá thị trường khoảng 6.000 đồng/kg lúa thì sẽ thu lãi được 36 triệu đồng, bình quân mỗi tháng chỉ được 3 triệu đồng. Với mức thu nhập này thì một gia đình bình thường với hai vợ chồng và hai đứa con không thể sống tốt được với chi phí sinh hoạt hằng ngày, chưa kể học hành, ốm đau… Thứ tư là, tình trạng được mùa mất giá, điển hình là vụ đông- xuân hiện nay. Đây là hậu quả của sự thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Nông dân cứ sản xuất, ai mua thì mua; còn DN có lợi nhuận thì mua, không thì thôi. Chính cung - cầu không gặp nhau đã gây nên chuyện được mùa mất giá triền miên trong nhiều năm qua.
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp
Ông nói một trong những lý do bà con nghèo vì Nhà nước không cho tăng giá lúa nội địa để bảo đảm ANLT. Điều đó có bất công với nông dân hay không?
- Nông dân là lực lượng chính bảo vệ ANLT quốc gia, họ là chiến sĩ trên mặt trận ANLT nhưng quả là ta chưa có chính sách khuyến khích, đãi ngộ cho họ. Trách nhiệm phải đi chung với quyền lợi. Phải có chính sách khuyến khích người trồng lúa. 
Ông nói mức lãi 30% là thấp. Vậy bao nhiêu là đủ?
- Thật khó để nói mức "đủ" hay "không đủ". Khi ra Hà Nội, tôi hay hỏi chuyện bà hàng nước ở vỉa hè phía trước cổng cơ quan Bộ NN&PTNT. Bà kể một ngày chỉ bỏ ra khoảng 20.000 đồng vốn để mua trà, đá… và thu được hơn 100.000 đồng lãi. Như vậy là lãi gấp 5 lần, một con số mà ngành sản xuất kinh doanh nào cũng mơ ước. Tôi đùa rằng bán hàng siêu lợi nhuận nhiều năm nay thì giàu to rồi, nhưng bà bảo bà không phải người giàu, bởi trăm nghìn bạc chưa đủ trang trải trong nhà. Nói điều đó để thấy rằng, nếu nông hộ nhỏ, công cụ sản xuất nhỏ thì mức lợi nhuận cũng nhỏ. Tương tự với người trồng lúa, không phải tất cả người sản xuất lúa đều nghèo mà là chỉ những người sản xuất lúa nhỏ mới nghèo, còn những hộ gia đình có từ 3ha trở lên thì sẽ giàu. Thế nhưng phần đông mỗi bà con chỉ có vài trăm mét đất, ai nhiều cũng chỉ đến 1ha đất nên nghèo. Vậy nên vấn đề đặt ra không phải là mức lãi bao nhiêu là đủ mà là chính sách khuyến khích nông dân trồng lúa sẽ liên hoàn với lợi nhuận.
Còn vấn đề thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ khiến tình trạng được mùa mất giá xảy ra liên tục, trách nhiệm của việc này thuộc về ai, thưa ông?
- Đầu tiên là trách nhiệm của DN. Nghị định 109/2012/ NĐ-CP của Chính phủ đã quy định xuất khẩu lúa gạo là ngành xuất khẩu có điều kiện để loại những DN không có năng lực. DN muốn xuất khẩu thì phải có đầy đủ điều kiện như chủ động nguồn nguyên liệu, hệ thống phơi sấy, hệ thống kho tạm trữ… Khi có đầy đủ các yếu tố trên thì mới chủ động được đi đấu giá với thị trường nước ngoài để xuất khẩu. Thế nhưng một số DN xuất khẩu lại làm ngược, ký hợp đồng trước, sau đó giao thương lái thu gom nên nhiều khi đã gây ra tình trạng xáo trộn, tranh giành mua bán hoặc o ép nông dân mỗi khi thiếu hoặc dư lúa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thương lái thu gom lúa thay vì mua theo từng loại thì do đặc thù vận chuyển bằng ghe, xuồng… đã không thể mua và để riêng từng loại lúa mà đều trộn chung lại. Gạo Việt Nam vì thế không thể có thương hiệu trên thị trường thế giới, chỉ có thể xuất khẩu gạo trắng Việt Nam với tỷ lệ tấm 5%, 10%, 15%… mà thôi. 
Thế còn trách nhiệm của nông dân, thưa ông? Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng lúa tồn đọng trong vụ đông - xuân này không phải do xuất khẩu giảm mà là do cung - cầu lệch nhau. Dù VFA đã khuyến cáo không nên trồng nhiều giống lúa IR 50404 cho ra gạo cấp thấp nhưng nông dân vẫn trồng tràn lan dẫn đến cảnh trong khi gạo cao cấp, gạo thơm không đủ để xuất khẩu thì lúa lại chất đầy đồng không bán được?
- Những loại gạo thơm, gạo cao cấp, đặc sản bản địa như gạo tám xoan, Hải Hậu, nàng thơm Chợ Đào… có giá lúa giống cao trong khi năng suất thấp, thời gian gieo trồng lại dài nên nếu không được đặt hàng trước thì nông dân không dám gieo trồng. Trong khi đó, DN chỉ mua cái nông dân có mà không đặt hàng nông dân sản xuất. Vì vậy nông dân phải chọn loại giống lúa mà theo họ là an toàn hơn. 
Nhưng DN thì phải có lợi nhuận. Vậy đặt gánh nặng trách nhiệm quy hoạch sản xuất cho nông dân lên vai họ liệu có phù hợp không, thưa ông? 
- Hiện nay nông dân muốn trồng gì thì trồng, còn DN không có nguồn nguyên liệu vì không tổ chức, đặt hàng. Vấn đề ở chỗ DN thì phải có nguồn nguyên liệu, còn nông dân có sản phẩm thì không biết bán cho ai. 
Ngành nông nghiệp đang có mô hình "nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn" để giải quyết các vấn đề trên. Trong mô hình này, nhiều nông dân, có thể là vài trăm hộ cùng được DN đặt hàng làm trên một cánh đồng theo quy trình của DN, được DN cung cấp giống, vật tư bảo vệ thực vật, phân bón với lãi suất thấp và được bao tiêu sản phẩm. Từ cánh đồng mẫu lớn có thể tiến đến vùng chuyên canh sản xuất theo quy trình, có truy xuất nguồn… Những vùng chuyên canh này sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu và DN có đủ điều kiện chủ động để xuất khẩu. Tổ chức sản xuất cho nông dân cũng là tổ chức cho DN, vì theo lộ trình mở cửa của WTO, khi các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính dồi dào tham gia thị trường thì nguồn nguyên liệu có thể là do họ nắm giữ. Nếu DN nào nắm giữ nhiều nguồn nguyên liệu thì sẽ chiếm ưu thế.
 
Làm sao để mang lại giá trị cao nhất? 
Chính phủ đã giao VFA thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo vụ đông - xuân để giữ giá lúa không rớt xuống thấp. Trong thời gian đầu thu mua thì giá lúa có nhích lên, nhưng bây giờ thì lại rớt xuống thấp như cũ. Phải chăng chương trình tạm trữ đã không đạt mục đích?
- Vụ đông - xuân vừa rồi riêng ĐBSCL thu hoạch được khoảng 10-11 triệu tấn lúa. Như vậy lượng lúa hàng hóa khoảng 6-7 triệu tấn. Một triệu tấn gạo tạm trữ tương đương khoảng 2 triệu tấn lúa hàng hóa. Trừ lượng hàng đã tiêu thụ cho nội địa và xuất khẩu thì vẫn còn một lượng lớn lúa không được hỗ trợ thu mua.
Ông đánh giá như thế nào về chương trình tạm trữ. Đây có phải là cách tốt để hỗ trợ nông dân không?
- Chương trình tạm trữ là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Nếu không mua tạm trữ thì nông dân sẽ phải chấp nhận lỗ, bán dưới giá thành để trang trải cho các chi phí. Tuy nhiên, do lượng hàng hóa lớn và phần tạm trữ nhỏ chỉ là "mồi" nên hiệu quả giúp cho dân không nhiều. Bên cạnh đó là phương thức tổ chức thu mua tạm trữ và cách giám sát việc thực hiện. Nhà nước giao hẳn việc này cho VFA tổ chức và thực hiện. Và VFA đã phân bổ cho các DN trong hiệp hội đứng ra thu mua. Thực tế thì DN không tổ chức mua trực tiếp tới từng hộ nông dân mà mua tại hệ thống kho của mình; còn nông dân cũng không có điều kiện chuyên chở để mang đến bán tại kho DN nên bán qua thương lái và DN mua lại của thương lái. Như vậy, chắc chắn rằng nông dân sẽ bán lúa không được như giá mua tạm trữ mà DN tuyên bố.
Thái Lan và một số nước khác có chính sách là sau khi thu hoạch, Nhà nước thực hiện việc thu mua lúa cho nông dân và tổ chức đấu thầu bán lại cho DN chế biến, xuất khẩu. Chính sách này mang lợi cho cả 3 bên: Nhà nước giữ được ANLT, nông dân bảo đảm thu nhập và DN thì chủ động trong hợp đồng xuất khẩu.
Gạo Việt Nam xuất khẩu thứ hai thế giới nhưng rất bấp bênh. Làm sao để giữ được vị trí này, thưa ông?
- Vấn đề này cũng là băn khoăn chung của nhà quản lý cũng như nhà khoa học. Câu hỏi đặt ra là có nên đặt mục đích là đứng nhì hay nhất trong xuất khẩu gạo hay không? Về nguyên tắc chung của bảo đảm ANLT thì xuất khẩu gạo chỉ thực hiện sau khi dành đủ cho thị trường nội địa. Vậy nên vấn đề của xuất khẩu hiện nay là không nên chạy theo thành tích đứng nhất hay đứng nhì mà phải làm sao để mang lại giá trị cao nhất. Bên cạnh đó là phải có thị trường ổn định và phải tạo được thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Việt Nam đã có hơn 20 năm xuất khẩu gạo nhưng khâu tổ chức sản xuất và lưu thông phân phối còn nhiều bất cập. Muốn sản xuất, xuất khẩu bền vững thì phải tổ chức lại sản xuất, thực hiện theo chuỗi ngành hàng, có sự liên kết giữa DN và nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Và cuối cùng trong chuỗi giá trị hạt gạo cần phân chia lợi ích cân bằng đối với các chủ thể cùng tham gia. Hiện lợi ích của hai chủ thể này chưa hài hòa với nhau và người dân vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi.
 Xin cám ơn ông!
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác