Người ta có thể đổ lỗi cho dịch bệnh, giá cả khiến ngành chăn nuôi chết yểu nhưng có khi nguyên nhân chính lại nằm ở sự quản lý quá lỏng lẻo của các ngành chức năng khi để cho gia súc, gia cầm nhập lậu ngang nhiên vào nội địa, sự bỏ mặc để nông dân tự đối mặt với những khó khăn trong quá trình sản xuất...
|
Giá thịt heo giảm mạnh khiến trang trại chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
|
Những nghịch lý
Trong ngành nông nghiệp nói riêng và nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội nói chung ở Việt Nam đang tồn tại quá nhiều nghịch lý. Ví như, chúng ta vẫn tự hào là nước có thế mạnh về nông nghiệp, với nhiều nông sản xuất khẩu thuộc tốp đầu thế giới nhưng vẫn phải nhập rất nhiều nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (đây là một trong những nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi liên tục xác lập những mốc giá mới vì phải phụ thuộc vào giá nguyên liệu nhập ngoại); trong khi sản phẩm gia súc, gia cầm của nông dân không có đầu ra hoặc giá bán thấp thì gia súc, gia cầm nhập lậu vẫn ồ ạt tràn vào nội địa, gây lũng đoạn thị trường, chưa kể còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì phần lớn nguồn hàng không được kiểm soát về chất lượng.
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã hai lần tăng giá với mức tăng tổng cộng 800 đồng/kg với thức ăn đậm đặc và trên 300 đồng/kg với thức ăn hỗn hợp. Lý do được các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa ra vẫn là "muôn thuở", do giá nguyên liệu (khô dầu đậu nành, dầu mỡ cá…) liên tục tăng cao. Việc tăng giá lần này được cho là giáng một đòn khá "sốc" đối với người chăn nuôi. Họ vốn dĩ đã rất đau đầu khi giá các sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi, nay thêm việc giá thức ăn chăn nuôi xác lập mốc giá mới, bà con chỉ còn biết bán tháo đàn gia súc, gia cầm. Ngay cả các chủ trang trại nuôi heo ở Đồng Nai, vốn đầy bản lĩnh, kinh nghiệm cũng không thể chịu nổi đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi lần này. Anh Vũ Đình Khôi, chủ một trang trại có quy mô 1.000 con heo ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) vừa phải bán bớt đàn lợn vì nếu duy trì trong vòng một tháng nữa thì chi phí cho thức ăn có thể lên đến 500 triệu đồng.
Điều này rõ ràng là một nghịch lý quá lớn vì giá thịt heo không tăng, thị trường tiêu thụ không thực sự sôi động, vậy tại sao giá thức ăn chăn nuôi cứ tiếp tục phi mã? Theo lý giải của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc tăng giá lần này là bất khả kháng do tình trạng mất mùa ở một số nước dẫn đến giá nguyên liệu tăng cao, thậm chí ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Bình, một doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai còn dự báo, giá thức ăn chăn nuôi có thể còn tăng trong vài tháng tới.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi đang bị thao túng, bởi các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang chiếm 65% thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam và cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có cơ quan nào có thể quản lý, điều hành được các doanh nghiệp này.
Cho đến lúc này, sau khi đã "bầm dập" trải qua rất nhiều "cơn bão", từ dịch tai xanh cho đến chất tạo nạc bị phát hiện có trong thịt lợn, rồi giá thức ăn chăn nuôi tăng, người chăn nuôi dường như vẫn chưa nhận được sự chia sẻ nào từ phía các doanh nghiệp, ngành chức năng hay các ngân hàng. Điều này đúng là một thực tế vô cùng tàn nhẫn bởi chính họ đã làm giàu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhưng lại luôn là đối tượng chịu thua thiệt. Đó là chưa kể dù Thủ tướng đã yêu cầu giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay; các ngân hàng tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%) cho các hộ, trang trại, HTX nhưng các ngân hàng vẫn đứng ngoài cuộc. Đây là một trong những lý do khiến từ cuối năm 2011 đến nay, đã có khoảng 3.000 trang trại "chết yểu", từ 10.000 trang trại giảm xuống chỉ còn 7.000.
Dịch bệnh đe dọa
Dịch heo tai xanh đang âm ỉ ở các địa phương cũng khiến nỗi lo của người chăn nuôi thêm chồng chất. Mấy năm trước, dịch xuất hiện theo mùa, nhưng trong năm 2012, dịch xuất hiện rải rác từ đầu năm đến nay. Và khi đi tìm nguyên nhân, ngành chức năng các địa phương lại đưa ra lý do người dân không tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc mà quên mất một điều, lượng gia súc nhập lậu ồ ạt qua biên giới cũng là một trong những nơi ủ mầm bệnh nguy hiểm. Mới đây nhất, ngày 7/9, UBND TP.Cần Thơ đã công bố dịch heo tai xanh ở xã Thạnh Lộc (huyện Vĩnh Thạnh). Được biết, dịch bệnh đã xảy ra ở 10 hộ chăn nuôi heo của xã, với tổng đàn 365 con, số heo bệnh 305 con, chết 108 con, xử lý chôn hủy 182 con, đã điều trị bệnh phục hồi 73 con... Trên địa bàn quận Cái Răng cũng xuất hiện 3 ổ dịch bệnh heo tai xanh tại 3 hộ chăn nuôi thuộc 3 phường Ba Láng, Tân Phú, Phú Thứ.
Cho đến thời điểm này, dịch heo tai xanh đang có dấu hiệu chững lại khi chưa có thêm địa phương nào vào danh sách có ổ dịch nhưng ở nơi dập được dịch trong thời gian ngắn là Đồng Nai (dịch heo tai xanh bắt đầu xuất hiện ở tỉnh này từ giữa tháng 5/2012 và đến cuối tháng 7/2012 thì hết dịch), nỗi lo dịch tái phát vẫn còn hiện hữu. Sở dĩ ngành thú y chưa thể yên tâm là vì, theo ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, mầm bệnh vẫn còn, chỉ cần có cơ hội là nó phát tán. Trên thực tế, dịch heo tai xanh tràn qua Đồng Nai vừa qua cũng chủ yếu bùng phát ở những ổ dịch cũ từ năm 2010. Và phần lớn các hộ để xảy ra dịch đều do không tiêm phòng các bệnh bắt buộc cho heo, công tác vệ sinh thú y và chăm sóc không theo đúng quy trình kỹ thuật. Đó là chưa kể, với giá heo hơi thấp như hiện nay (dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, người nuôi đang chịu lỗ 5.000 -7.000 đồng/kg) thì dù có muốn họ cũng không có điều kiện chăm sóc, vệ sinh thú ý hay tiêm phòng dịch bệnh.
Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai nhận định: "Do giá vắc-xin tai xanh cao (khoảng 38.000 đồng/liều) nên ở một số huyện, thị, người chăn nuôi không tiêm phòng cho đàn heo. Vì không tiêm phòng, dịch bùng phát ở những ổ dịch cũ. Tới đây, khi vắc-xin tai xanh hết hiệu lực, nếu người chăn nuôi không tiêm phòng lại sẽ rất khó phòng dịch".
Nỗi lo thực phẩm nhập lậu
Người ta từng đặt câu hỏi, ở một nước nông nghiệp như Việt Nam, tại sao vẫn phải nhập khẩu hết muối đến ngô, hết thịt gia súc đến thịt gia cầm? Phải chăng việc nhập khẩu này chỉ để phục vụ một nhóm lợi ích nào đó, còn quyền lợi của người nông dân không được tính đến. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, với tình hình số lượng trang trại, hộ chăn nuôi giảm như hiện nay, chưa kể dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì những tháng cuối năm, nguy cơ thiếu thịt lợn đang hiện hữu. Như vậy, lợi nhuận lại rơi vào tay các doanh nghiệp nhập khẩu hay những kẻ buôn lậu thịt lợn qua biên giới, còn nông dân chỉ biết nhìn và… tiếc vì họ đã không được hưởng lợi nhiều trong mắt xích cung ứng hàng cho thị trường.
Mới đây, Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt quả tang xe ô tô mang biển kiểm soát 29D-005.35 do Lương Đình Chúc (trú tại Hưng Yên) điều khiển, chở 6 bao tải chứa 550kg nầm lợn đang trong thời kỳ phân hủy mạnh. Cùng thời điểm đó, hơn 300kg nội tạng lợn không có giấy tờ hợp lệ cũng bị công an bắt giữ khi đang trên đường vận chuyển về xuôi. Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, tình hình nhập lậu thực phẩm ôi thối từ Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng. Riêng ngành hàng thực phẩm, từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng trong tỉnh Lạng Sơn đã bắt được 57 vụ, thu hơn 12 tấn gia cầm, thịt, nầm lợn, hơn 70.000 con gia cầm giống không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch.
Theo Ban chỉ đạo 127 Trung ương, số lượng thực phẩm bẩn nhập lậu bị tịch thu chỉ là phần rất nhỏ so với thực tế hàng ngày tràn vào thị trường nước ta. Điều đáng lo ngại là số nội tạng bị thu giữ trong thời gian qua đều được tẩm ướp các hóa chất nguy hiểm, sau vài giờ đã chảy nước, bốc mùi. Nhưng vì siêu lợi nhuận (giá nầm lợn mua ở biên giới chỉ khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg, khi vận chuyển vào sâu trong nội địa, giá bán buôn đã là 60.000-70.000 đồng/kg) nêu các đối tượng buôn bán, vận chuyển không từ một thủ đoạn nào để qua mặt các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này xem ra vẫn là bài toán khó giải, vì theo đại diện của Hải quan Lạng Sơn, lợi dụng chính sách mua bán hàng hóa giữa cư dân hai bên biên giới (mỗi người dân ở cửa khẩu được phép mua lô hàng trị giá dưới 2 triệu đồng mà không phải làm các thủ tục hải quan và được miễn đóng thuế) nên các đầu nậu thường thuê các cửu vạn là cư dân biên giới vận chuyển hàng hóa, họ sẽ xé lẻ các bao đựng nội tạng động vật để mang về điểm tập kết cho chủ hàng. Trong khi đó, quy định mức xử phạt cao nhất với các hành vi sai phạm trong lĩnh vực vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn chỉ có 2 triệu đồng, quá thấp so với lợi nhuận. Hiện nay, biện pháp ngăn chặn chủ yếu vẫn là kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy, nhưng vì lực lượng mỏng, trong khi thủ đoạn buôn lậu lại ngày một tinh vi, nên thu giữ không xuể.
Vấn đề kiểm soát thực phẩm nhập lậu tràn lan cũng đã được đề cập đến tại một hội nghị của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh cúm gia cầm và lở mồm long móng (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Các ý kiến đều cho rằng, nếu không mạnh tay với các đầu nậu lớn thì vấn nạn thực phẩm nhập lậu sẽ không thể giải quyết dứt điểm.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2012/9/36337.html