Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và tổ chức Croplife Asia đã phối hợp tổ chức cuộc hội thảo cây trồng biến đổi gen (BĐG), tác động kinh tế xã hội và môi trường toàn cầu giai đoạn 1996-2010.
GIÁ TRỊ TĂNG THÊM CỰC LỚN
Theo các chuyên gia, cây trồng CNSH (cụ thể cây trồng biến đổi gen) đã được phát triển thương mại hóa từ năm 1996. Đến năm 2011 có hơn 16 triệu nông dân của 29 quốc gia trên thế giới đã trồng 160 triệu ha ứng dụng CNSH cho năng suất cao, chiếm 9% tổng diện tích đất trồng trên toàn thế giới. Lợi nhuận kinh tế trên toàn cầu của CNSH ước tính đạt 9,2 tỷ USD trong năm 2008. Mỹ vẫn là quốc gia có thu nhập nhiều nhất từ cây trồng BĐG và lợi nhuận tăng lên chủ yếu nhờ sản lượng tăng, chi phí sản xuất giảm.
|
Cây trồng biến đổi gen mang lại nhiều lợi ích cho con người
|
Theo ông Graham Brookes - GĐ Cty PG Economics (Anh Quốc), chuyên gia trong lĩnh vực phân tích tác động của công nghệ mới trong nông nghiệp đánh giá CNSH trong 16 năm qua đạt được những kết quả rất tích cực và ngày càng được nâng cao. Ứng dụng CNSH, trồng cây BĐG đã giúp tăng năng suất, cải thiện thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho nông dân trên toàn thế giới.
Ông Graham Brookes cho biết: “Thực tế trong giai đoạn 1996-2010, mức thu nhập của các nông trại trên toàn cầu khi ứng dụng CNSH đã đạt được khoảng trên 78 tỷ USD, lợi nhuận từ cây trồng BĐG tăng 14 tỷ USD, tương đương với hơn 4% sản lượng toàn cầu của 4 cây trồng chính là bắp, đậu nành, bông vải và hạt canola...”. Trong đó ngành nông nghiệp Hoa Kỳ chiếm cao nhất với 35 tỷ USD, tiếp đến Ấn Độ hơn 9 tỷ USD, Brazil gần 5 tỷ USD, Canada hơn 3 tỷ USD...
Đáng chú ý, sau một thời gian dài bị kìm hãm, đến nay Brazil cũng đã trở thành quốc gia ứng dụng cây trồng BĐG thứ hai thế giới sau Mỹ. Chính nhờ áp dụng CNSH phổ biến khiến nền kinh tế nông nghiệp Brazil sẽ tiết kiệm 80 tỷ USD đến năm 2020. Đồng thời, cũng nhờ ứng dụng cây trồng BĐG mà 22 triệu cây xanh được giữ lại, 2,9 triệu tấn khí CO2 không còn thải vào khí quyển từ máy móc nông nghiệp, tiết kiệm được 1,1 tỷ lít nhiên liệu.
Đáng chú ý là 120.000 tấn thành phần hoạt chất của thuốc trừ sâu không còn được sử dụng, tiết kiệm 130 tỷ lít nước dùng cho tưới tiêu (đủ cho 3 triệu người sử dụng) vì cây trồng mới kháng sâu bệnh, chịu nóng hạn, năng suất tăng cao... Do vậy, môi trường tại các nước này hiện đang cải thiện rất tốt do nông dân ứng dụng CNSH vào trong sản xuất, gieo trồng các loại cây trồng BĐG có khả năng kháng sâu bệnh nên giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc BVTV.
Theo PGS.TS Phạm Văn Toản (Viện KHKTNN miền Nam), trên thế giới năm 2000 đã có Nghị định thư Cartagena được thông qua, còn ở Việt Nam, Quốc hội đã ban hành các Luật bảo vệ môi trường, Luật đa dạng sinh học, Luật an toàn thực phẩm, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 69, Nghị định 108... Các bộ - ngành đang tích cực thực hiện công tác quản lý an toàn sinh học liên quan đến công nghệ sinh học. Ngành nông nghiệp đang quản lý an toàn sinh học bắp biến đổi gen với một số giống bắp có gen kháng sâu đục thân, gen chống chịu thuốc trừ cỏ và công nhận tạm thời làm thức ăn chăn nuôi đối với các giống bắp biến đổi gen của công ty Sygenta và công ty Dekalb.
|
CẦN THÍCH ỨNG VỚI CÔNG NGHỆ MỚI
Thực tế ở nước ta hiện đang tiến hành nhiều thử nghiệm trên cả diện hẹp và diện rộng với một số giống cây trồng BĐG. Tuy nhiên, đến nay mọi thử nghiệm vẫn đang được tiến triển một cách thận trọng, thậm chí bị coi quá chậm chạp, dự kiến phải đến năm 2015 mới đưa vào sản xuất đại trà.
Đề cập đến vấn đề này, TS.Nguyễn Quốc Bình, Phó GĐ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM khẳng định: “Cây trồng biến đổi gen kháng sâu sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cây bình thường ở chỗ Bt toxin trong gen kháng sâu sẽ được sản sinh ra để bảo vệ cây bất cứ lúc nào. Hơn nữa gen kháng sâu cũng không gây hại gì cho cây trồng, không ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái”.
Theo ông Bình, sau hơn 11 năm (từ năm 1996) phát triển cây trồng BĐG, các nhà khoa học trên thế giới cũng chưa có kết luận nào về khả năng gây hại của sản phẩm này. Cây trồng BĐG đã được chứng nhận năng suất cao, thích hợp vùng khó khăn, kháng sâu bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV sử dụng xu hướng ngày càng nhiều. Vì vậy, ta có thể thấy rõ ràng cây trồng BĐG đem lại lợi ích rất to lớn cho cuộc sống con người, vì thế chúng ta cần phải thích ứng với công nghệ mới trong sản xuất.
Theo Nông nghiệp Việt Nam