Gần đây, rau quả Trung Quốc tiếp tục tràn ngập thị trường Việt Nam với nhiều loại quả như: cam, quýt, nho...không chỉ gây ra mối lo ngại về vệ sinh ATTP mà còn gây nhiều bất ổn của cung cầu nội địa. Trước tình hình đó, một số ý kiến cho rằng bên cạnh tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch tại các cửa khẩu vùng biên, một mặt khác cũng cần xây dựng chính sách hợp lý hơn nhằm hạn chế mặt hàng rau quả trong danh mục hàng hóa nhập khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi giữa cư dân biên giới...
Theo báo cáo nghiên cứu của TS Trần Công Thắng – Trưởng bộ môn nghiên cứu chính sách và chiến lược – Viện Chính sách và Chiến lược NNPTNT, tính trong năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung vào khoảng 200 triệu USD, trong đó nhiều nhất là qua cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn với 95,5 triệu USD rồi sau đó đến Hữu Nghị 7,7 triệu USD. Còn trong 8 tháng đầu năm 2012, Việt Nam nhập khẩu nhiều loại trái cây từ Trung Quốc như: dứa, ổi, xoài, măng cụt, cam quýt, trong đó nhiều nhất là cam – quýt với giá trị nhập khẩu là hơn 15,7 triệu USD, sau đó là táo – lê với khoảng 8,4 triệu USD. Ở mặt hàng rau, trong năm 2011, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các loại cà rốt, củ cải và các loại củ rễ ăn được với kim ngạch nhập khẩu trên 33 triệu USD và trong 8 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất là các loại rau ở dạng nguyên, cắt thái lát hoặc vụn ở dạng bột nhưng chưa chế biến, chiếm đến 22,68 triệu USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 100 triệu USD vào năm 2011. Trong các mặt hàng rau quả, có đến 90% là các loại cây nhiệt đới như: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối và xoài...Thời gian gần đây, một số mặt hàng xuất khẩu mới như sắn/tinh bột sắn, thủy sản và gạo đang có chiều hướng tăng lên.
|
Nhiều loại hoa quả Trung Quốc tiếp tục tràn ngập thị trường Việt Nam không chỉ gây ra mối lo ngại về vệ sinh ATTP mà còn gây nhiều bất ổn lên cung cầu trong nước.
|
Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, ông Thắng cho biết, mặc dù chưa nhiều nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đều trong thời gian qua đã góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển và đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng nội địa cũng như góp phần nâng cao thu nhập của người sản xuất, đồng thời gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh.
Tuy nhiên ở mặt tiêu cực, chúng ta tăng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Điển hình như hiện nay có đến 80% giống lúa lai của Việt Nam phải phụ thuộc vào họ, đó là chưa kể đến việc xuất khẩu cao su, sắn, điều, sản phẩm gỗ cũng rất phụ thuộc. Ngoài ra việc phụ thuộc đó còn góp phần gây bất ổn lên cung cầu nội địa, doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh ngay trên sân nhà và nguy hại hơn khi Trung Quốc có thể là thị trường cho sản phẩm chất lượng thấp như chè bẩn, tôm nhiễm tạp chất và rủi ro cao do chất lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có chất lượng không đảm bảo như: táo, lê và gần đây là cam, nho...”, ông Thắng dẫn giải thêm.
Ông Hội cho biết: Thực tế cho thấy rau quả nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt Trung như Tân Thanh, Hữu Nghị...chủ yếu là: táo, lê, lựu, nho, mận đỏ, cam, rau xanh, bí đỏ, khoai tây...Tuy nhiên hiện nay Luật An toàn Thực phẩm ban hành ngày 17/6/2010 lại chưa có quy định cụ thể hoặc quy định riêng đối với thủ tục kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới đất liền dẫn đến nguy cơ mất an toàn VSTP như trong thời gian qua.
Ông Hội cho rằng cần có hướng dẫn một số điều của Luật ATTP áp dụng đối với hoạt động thương mại vùng biên cũng như có các quy định chặt chẽ hơn về thủ tục kiểm tra ATTP tại các cửa khẩu biên giới đất liền. Theo đó cơ quan kiểm tra ATTP phải trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp với hải quan và các lực lượng chức năng khác tại cửa khẩu để kiểm tra, kiểm dịch, đặc biệt là đối với rau quả nhập khẩu từ các cửa khẩu biên giới cần phải được quản lý về luồng đi, hệ thống phân phối trong nội địa, tức là quy định phải có điểm đến cụ thể. Do đó tới đây các cơ quan chức năng nên ban hành thông tư mới để thay thế thông tư số 10/2010/TT – BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 29/3/2010 để nhằm hạn chế mặt hàng rau quả trong danh mục hàng hóa nhập khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi giữa cư dân biên giới, đồng thời chỉ cho phép nhập khẩu những mặt hàng rau quả thực sự cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của cư dân biên giới nếu vùng biên giới không trồng được.
“Theo đó bên cạnh áp dụng kiểm tra, kiểm soát đối với từng khu vực vùng biên cụ thể, chính sách cũng cần khuyến khích các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa hoặc tạo điều kiện cho cư dân vận chuyển về những mặt hàng rau quả được đầu tư trồng tại các khu vực biên giới của các nước láng giềng, tổ chức hệ thống phân phối các mặt hàng nông sản từ vùng sản xuất đến khu vực cửa khẩu”, ông Hội cho hay...
Theo Nguyễn Tiến Dũng – Báo Kinh tế Việt Nam