Cần sự minh bạch cho các đập chắn ngang Mekong

10/10/2007

Lưu vực sông Mekong từng bị chiến tranh tàn phá giờ đang chịu một cuộc tấn công mới của các lực lượng phát triển và toàn cầu hoá. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Richard P. Cronin, Giám đốc Chương trình Kinh tế Chính trị châu Á, Trung tâm the Henry L. Stimson, Washington, DC. về vấn đề này.

Còn được gọi là Tiểu vùng Mekong lớn (GMS), lưu vực Mekong bao gồm một số vùng của tỉnh Vân Nam và 5 quốc gia Đông Nam Á ở hạ nguồn - Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Mekong vẫn là một trong những hệ thống sông lớn, ít được phát triển nhất, trên thế giới. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi nhanh chóng. Sự khai thác ồ ạt tiềm năng thuỷ điện khổng lồ của Mekong đã gây ra mối đe doạ lớn đối với chu kỳ lũ lụt và đa dạng sinh học cực kỳ phong phú của hệ thống sông này.

Những lực lượng đứng đằng sau thuỷ điện vượt xa sức mạnh hạn chế của các tổ chức môi trường khu vực và toàn cầu, cũng như của hiệp hội dân sự địa phương, những người tìm cách làm chậm lại hoặc ngăn chặn việc phá huỷ hệ sinh thái và thuỷ học tự nhiên của hệ thống Mekong. Để phát triển hệ thống sông này một cách bền vững, cần có một phương pháp tiếp cận rất khác biệt, liên quan tới việc tạo lập và chia sẻ sự minh bạch giữa tất cả các bên có quyền lợi.

Cá catfish đang hiếm dần ở Mekong

Cá catfish đang hiếm dần ở Mekong

Mối đe doạ đối với Mekong

Trung Quốc đang xây dựng một loạt 8 đập thuỷ điện ở thượng nguồn của Mekong, mà nước này gọi là sông Lancang Jiang (hay Lan Thương, tên của đoạn Mekong chảy qua tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Phần này của con sông chảy qua những hẻm núi cao ở tỉnh Vân Nam. Cả tám đập sẽ có khả năng chứa hơn 23 tỷ m3 khối nước, xấp xỉ 30% lượng nước hàng năm mà tỉnh Vân Nam đóng góp cho sông Mekong và gần 5% tổng số 475 tỷ m3 nước hàng năm mà sông Mekong đổ ra biển Đông. Dự án này là mối đe doạ lớn nhất đối với Mekong và an ninh của hơn 60 triệu người sống dưới hạ nguồn, với họ, nước Mekong có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn.

Khi được hoàn thành trong một thập kỷ nữa, hệ thống các đập thuỷ điện Lancang sẽ tạo ra gần 15.000 megawatt điện, tương đương với khoảng 80% công suất của đập Tam Hiệp khổng lồ và gây tranh cãi trên sông Dương Tử. Hệ thống thuỷ điện ở Vân Nam là chìa khoá cho kế hoạch chiến lược của Bắc Kinh nhằm phát triển vùng Tây Nam đói nghèo, tăng cường sự hợp tác kinh tế với Đông Nam Á và đáp ứng nhu cầu của vùng ven biển phía đông đang phát triển mạnh mẽ song đói điện.

Hệ thống đập Lancang của Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất đối với vùng Hồ lớn và sông Tonle Sap dài 100km của Campuchia cũng như đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Hoạt động của các đập này sẽ làm giảm mức độ khắc nghiệt theo mùa của lũ lụt và hạn hán ở vùng Hồ lớn. Sự khắc nghiệt đó đóng vai trò quan trọng đối với vai trò kép của vùng hồ này - nguồn ấp cá khổng lồ cho các ngư dân ở Mekong và hệ thống điều tiết chiều dài cũng như độ khắc nghiệt của lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam.

Việc tích nước cho hai con đập có quy mô vừa phải tại Manwan và Daochoshan của Trung Quốc đã làm giảm đáng kể lưu lượng nước hàng năm ở hạ nguồn (mang phù sa quan trọng) và làm hạn hán trầm trọng thêm. Gần đây, Trung Quốc đã hoàn tất đập thứ ba, đập Xiaowan với công suất 4.200 megawatt, cao 292m. Việc tích 15 tỷ m3 nước cho hồ chứa của đập Xiaowan ước tính mất 5-10 năm, sử dụng 50% lưu lượng của thượng lưu Mekong.

Đập Manwan
Đập Manwan

Theo cuốn Bản đồ môi trường tiểu vùng sông Mekong lớn do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Môi trường thuộc Liên hiệp quốc (UNEP) và Trung tâm Tài nguyên khu vực châu Á - Thái Bình dương, khi xây dựng các đập nước trên sông Lancang, Trung Quốc khẳng định chúng sẽ có lợi cho các quốc gia ở hạ lưu bằng cách giảm nhẹ chu kỳ lũ lụt hàng năm cũng như tình trạng thiếu nước trong mùa khô.

Tuy nhiên, đập nước làm chậm dòng chảy, tăng nhiệt độ nước và chu kỳ tự nhiên của sông. Những thay đổi trên đây làm đảo lộn quá trình sinh sản, tăng trưởng và di cư của các loài thuỷ sinh. Nhiều loài sẽ biến mất do không thể thích ứng với những thay đổi môi trường. Quan trọng nhất là sự lắng đọng trầm tích trong các hồ chứa sẽ làm cho nước được xả ra từ đập trở nên ít trầm tích và do đó trong hơn bình thường, làm cho chất lượng nước ở hạ nguồn ít phù sa hơn. Thiếu nước và phù sa sẽ làm giảm độ màu mỡ của đồng lúa dưới hạ lưu, làm sản lượng lúa sụt giảm mạnh.

Sự hợp tác khó khăn

Hợp tác để quản lý tài nguyên nước vẫn là một mục tiêu khó khăn. Cho tới gần đây, Uỷ ban sông Mekong (MRC), được thành lập năm 1995 bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, với sự ủng hộ từ các nhà tài trợ đa quốc gia, đã đạt được ít tiến bộ, thực sự hướng tới mục tiêu: tăng cường hợp tác. Năm ngoái, 4 quốc gia MRC cuối cùng đã nhất trí về các thủ tục duy trì những dòng chảy mùa khô và mùa mưa vào sông Tonle Sap và vùng Hồ lớn ở các ngưỡng cao và thấp ’’có thể chấp nhận được’’.

Do Trung Quốc, cùng với Myanmar, đã từ chối gia nhập MRC, nên vẫn chưa nhất trí được về nguồn quan trọng nhất của các dòng chảy vào mùa khô. Bắc Kinh đã từ chối chia sẻ thông tin quan trọng về các đập Lan Thượng hoặc các kết quả nghiên cứu về thuỷ học và môi trường do nước này tiến hành. Năm 2002, Trung Quốc cam kết cung cấp dữ liệu hàng ngày về mực nước ở thượng nguồn Mekong trong suốt mùa lũ, tuy nhiên, chỉ từ hai trạm giám sát. Ở mức độ thấp nhất, Trung Quốc có thể gia nhập MRC và nhất trí với các quy tắc hoạt động mà dành sự ưu tiên cho việc duy trì các mức nước có thể dự đoán được và bảo vệ các chu kỳ lũ lụt - hạn hán tự nhiên của Mekong.

Mùa hè năm ngoái, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đã hợp tác với MRC để soạn thảo một chiến lược đầy tham vọng - Chiến lược trợ giúp tài nguyên nước Mekong (MWRAS), tập trung vào các dự án thuỷ điện, thuỷ lợi và dẫn nước quy mô lớn. Các nhóm bảo vệ môi trường đã chỉ trích mạnh mẽ sáng kiến trên, về khía cạnh thuỷ điện, và việc MRC thay thế mục tiêu hiến chương - ’’phát triển bền vững về môi trường’’ - bằng ’’phát triển cân bằng’’, một tiêu chuẩn thấp hơn.

Vấn đề minh bạch

Để điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực hiện tại trong việc hợp tác và quản lý tài nguyên nước một cách bền vững, cần có sự minh bạch về tác động xuyên biên giới và toàn lưu vực của các đập nước cũng như các dự án nước quy mô lớn khác. Có thể đạt được mục tiêu này bằng cách tạo ra một mô hình mô phỏng tương tác về toàn bộ lưu vực Mekong thông qua việc sử dụng hình ảnh vệ tinh cũng như phần mềm mô phỏng.

MRC và các viện nghiên cứu trong khu vực đã công nhận tính khả thi kỹ thuật của việc phát triển các mô hình mô phỏng dòng sông bằng cách dùng hình ảnh radar, hồng ngoại và chụp ảnh. Tuy nhiên, do những nhạy cảm về chính trị liên quan tới Trung Quốc, cho tới nay các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở các phụ lưu riêng lẻ của hạ lưu Mekong.


Tin khác