TOR CHUYÊN GIA THIẾT KẾ, XÂY DỰNG MÔ HÌNH PHẢN ỨNG CUNG CÀ PHÊ CỦA VIỆT NAM THEO GIÁ VÀ THIẾT KẾ, XÂY DỰNG MÔ HÌNH DỰ BÁO GIÁ CÀ PHÊ DỰA TRÊN SỐ LIỆU CHUỖI THỜI GIAN

14/09/2011

Ngành cà phê Việt Nam, mặc dù vươn lên đứng ở vị trí là nhà cung cấp cà phê thứ 2 thế giới, song lại chịu sự chi phối từ giá cà phê trên thị trường quốc tế. Kể từ năm 2001 đến nay, ngành cà phê Việt Nam đã trải qua 2 cú sốc về giá trong các năm 2002, 2010 khi giá cà phê thế giới xuống mức đáy kỷ lục, gây thiệt tác động tiêu cực đến người sản xuất và các tác nhân khác tham gia trong chuỗi cung cà phê.

I.                   GIỚI THIỆU
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - DNV&N) hiện chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về thị trường, đặc biệt là các thông tin dự báo và phân tích thị trường. Đây là một khó khăn lớn mà các doanh nghiệp này đang phải đương đầu khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu trên khu vực và thế giới.
Ngành cà phê Việt Nam, mặc dù vươn lên đứng ở vị trí là nhà cung cấp cà phê thứ 2 thế giới, song lại chịu sự chi phối từ giá cà phê trên thị trường quốc tế. Kể từ năm 2001 đến nay, ngành cà phê Việt Nam đã trải qua 2 cú sốc về giá trong các năm 2002, 2010 khi giá cà phê thế giới xuống mức đáy kỷ lục, gây thiệt tác động tiêu cực đến người sản xuất và các tác nhân khác tham gia trong chuỗi cung cà phê.
Cũng trong giai đoạn 2001-2011, Việt Nam đã đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo cam kết gia nhập WTO, chính phủ không còn đóng vai trò chính trong các vấn đề liên quan đến can thiệp thị trường và phải thực hiện cắt giảm các biện hỗ trợ ngành đối với khu vực nông nghiệp nói chung và ngành cà phê nói riêng. Cùng với tiến trình này là việc mở cửa thị trường, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất – kinh doanh cà phê tại thị trường Việt Nam. Những thay đổi về vai trò của nhà nước và sự xuất hiện tác nhân mới trong tham gia thị trường cà phê trong thời gian qua đã đặt ra câu hỏi về vai trò của chính phủ đối với ngành cà phê trong bối cảnh mới.
Từ năm 2004, trong một nghiên cứu về ngành cà phê Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã nhận xét: có mối quan ngại rằng chính sách và các biện pháp khuyến khích xuất khẩu cà phê có thể chưa tính đến một cách đầy đủ các ảnh hưởng cung cầu của các sản phẩm nông nghiệp khác. Cần phải hiểu rõ rằng bản chất của thị trường hàng hóa là khó xác định mức độ ảnh hưởng của các cú sốc về giá là tạm thời hay đó là dấu hiệu báo hiệu một sự thay đổi dài hạn. Khi chính phủ giả định sai, chính phủ có thể lãng phí nguồn lực quý giá của mình để hỗ trợ cho những lĩnh vực trong ngành cà phê không có khả năng cạnh tranh (WB, 2004).
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay khi mà chính phủ vừa phải cắt giảm các biện pháp hỗ trợ ngành cà phê theo cam kết WTO vừa phải đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của chính phủ đối với ngành cà phê rõ ràng cần đẩy mạnh cải thiện dòng thông tin và phân tích số liệu sản lượng và thương mại cà phê thế giới, từ đó cung cấp thông tin dự báo để các tác nhân trong ngành hàng cà phê tham khảo và ra quyết định, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh ngành cà phê. Tuy nhiên, hiện nay công tác dự báo nông sản nói chung và dự báo biến động thị trường cà phê Việt Nam còn rất hiếm.
 Trong khi đó, ở một số đơn vị tham mưu chính sách hiện nay như Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT, các cán bộ nghiên cứu đã đang thực hiện nhiều nghiên cứu về chiến lược, chính sách phát triển ngành hàng, phân tích và dự báo triển vọng thị trường ngành hàng một cách bài bản và chất lượng. Những nghiên cứu này mới chỉ chủ yếu phục vụ các cơ quan ban hành chính sách và chưa được phổ biến sâu rộng đến các đối tượng.
Nhằm hỗ trợ phát triển DNV&N lĩnh vực nông nghiệp nông thôn Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án tổng thể 5 năm “Nghiên cứu các đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn giai đoạn 2006-2010” do Tây Ban Nha tài trợ và giao cho Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện. Trong đó, một trong những mục tiêu giai đoạn hiện nay là tăng cường năng lực truyền thông thông tin để hỗ trợ phát triển DNV&N lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. 
Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiêp nông thôn (AGROINFO) được BQLDA hỗ trợ thực hiện hoạt động làm đầu mối kết nối và tập hợp các nguồn lực thông tin thị trường và chính sách hỗ trợ phát triển DNV&N nông nghiệp nông thôn từ trong và ngoài IPSARD, đồng thời là đầu mối kết nối với các cơ quan truyền thông trong việc thúc đẩy mạnh khả năng truyền tải thông tin nhanh và hiệu quả đến đông đảo các đối tượng quan tâm. Trong năm 2011, AGROINFO được BQLDA giao chủ trì thực hiện hoạt động “Dự báo giá và cung cà phê của Việt nam”, với mục tiêu dự báo sản lượng và giá cà phê niên vụ 2011-2012 để cung cấp cho các doanh nghiệp trong ngành cà phê nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này trong việc ra quyết định sản xuất – kinh doanh.
            Để thực hiện hoạt động này, Trung tâm đang cần tuyển chuyên gia tư vấn thực hiện một số nội dung và yêu cầu cụ thể sau đây.
II.                NHIỆM VỤ CHÍNH
Chuyên gia sẽ thiết kế, xây dựng mô hình phản ứng cung cà phê của Việt Nam theo giá và thiết kế, xây dựng mô hình dự báo giá cà phê dựa trên số liệu chuỗi thời gian.
Chuyên gia sẽ báo cáo trực tiếp với Giám đốc Trung tâm thông tin và làm việc dưới sự giám sát trực tiếp về kỹ thuật của cán bộ Trung tâm do giám đốc Trung tâm chỉ định. 
III.             CÔNG VIỆC CHÍNH
  1. Xây dựng mô hình phản ứng cung cà phê:
ü Nêu tổng quan lý thuyết ”phản hồi cung – supply response” và khả năng ứng dụng trong nghiên cứu ngành hàng cà phê:
Ø Lý thuyết về phản hồi cung;
Ø Tổng quan các mô hình dự báo cung dựa theo phương pháp phản hồi cung;
ü Đề xuất, lựa chọn mô hình phù hợp áp dụng cho ngành cà phê;
ü Tập hợp số liệu cần thiết cho mô hình;
ü Phân tích kết quả mô hình.
  1. Xây dựng mô hình dự báo giá cà phê dựa trên chuỗi thời gian
ü Nêu tổng quan các mô hình dự báo giá các mặt hàng nông sản phổ biến đang ứng dụng hiện nay;
Ø Phương pháp luận về mô hình dự báo giá ngành hàng nông sản;
Ø Tổng quan các mô hình dự báo giá ngành hàng nông sản;
Ø Đề xuất, lựa chọn mô hình phù hợp áp dụng cho ngành cà phê;
ü Tập hợp số liệu cần thiết cho mô hình;
ü Phân tích kết quả mô hình;
  1. Viết báo cáo kết quả mô hình phản ứng cung cà phê Việt Nam.
  2. Viết báo cáo kết quả dự báo giá cà phê.
IV.              SẢN PHẨM VÀ KHUNG THỜI GIAN
Chuyên gia sẽ giao nộp tài liệu bản cứng và bản mềm hoàn chỉnh cho Trung tâm Thông tin, cụ thể như sau:
ü 01 Báo cáo tổng hợp (bao gồm phần tổng quan mô hình, lựa chọn, xây dựng và xử lý, phân tích kết quả mô hình – phản ứng cung cà phê).
ü 01 Báo cáo tổng hợp (bao gồm phần tổng quan mô hình, lựa chọn, xây dựng và xử lý, phân tích kết quả mô hình – dự báo giá cà phê).
ü File dữ liệu lưu trữ số liệu và kết quả xử lý của mô hình phản ứng cung cà phê.
ü File dữ liệu lưu trữ số liệu và kết quả xử lý của mô hình dự báo giá cà phê
Thời gian thực hiện hoạt động tư vấn này dự kiến trong 2 tháng (từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12/2011).
V.                KINH PHÍ
Chi phí chuyên gia được căn cứ theo hướng dẫn của LHQ – EU về chi phí địa phương trong hợp tác phát triển với Việt Nam – Bản cập nhật năm 2009, và đã bao gồm thuế TNCN.
            Dự kiến thực hiện công việc trong 50 ngày.
VI.             YÊU CẦU CHUYÊN MÔN
Có trình độ thạc sỹ trở lên, ưu tiên những người được đào tạo ở nước ngoài, thuộc các chuyên ngành: Kinh tế, Thương mại, Ngoại thương, Kinh tế Phát triển, Kinh tế nông nghiệp.
Có kinh nghiệm làm việc từ 6 năm trở lên liên quan đến nghiên cứu kinh tế (cấp độ vĩ mô), hoặc liên quan đến thị trường và chính sách ngành hàng cà phê.
Có khả năng phân tích dữ liệu bằng các công cụ phân tích cơ bản: Excel, SPSS, Stata.
Có kinh nghiệm viết báo cáo nghiên cứu khoa học.

VII. Hạn nộp hồ sơ: đến ngày 28/9/2011
Thông tin liên lạc:
Nguyễn Thị Thơm
Địa chỉ: Số 16, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
Email:
info@agro.gov.vn
Điện thoại: 0439725153


Tin khác