Nông nghiệp – nông thôn – nông dân: Vật cản hay động lực tăng tốc công nghiệp hóa?

13/02/2012

Ba thế kỉ trước, nước Anh dẫn châu Âu vào cơn lốc công nghiệp hóa đầu tiên, ước vọng giàu có cuốn mọi nguồn lực xã hội vào phát triển công nghiệp, mở rộng đô thị. Cùng lúc, nền kinh tế cần có ngay một lượng lương thực, thực phẩm nhiều và rẻ, vừa huy động một lượng khổng lồ nguyên liệu, nhiên liệu, đất đai và lao động. Vật hi sinh đầu tiên của sự đòi hỏi ghê gớm này là nông thôn và nông dân.

"Món nợ" với nông dân
Hàng triệu nông hộ nhỏ sống bằng nghề trồng trọt bị thay bằng các trang trại, đồn điền chăn nuôi lớn cung cấp lông cừu cho công nghiệp dệt. Nông dân phá sản trở thành công nhân vô sản và dân nghèo đô thị. Gia đình tiểu nông truyền thống mất, làng xã tan vỡ theo. Những gia đình quen sống hài hòa với thiên nhiên phải chen chúc nhau trong các khu dân cư ổ chuột bẩn thỉu và tối tăm. Người nông dân quen tự do làm chủ trở thành lao động làm thuê 16 tiếng một ngày trong những điều kiện tàn nhẫn.
Giai đoạn 1801-1861, ti lệ lao động nông nghiệp ở Anh giảm từ 35,9% xuống còn 18,7% lực lượng lao động. Ở Đức, tỉ lệ này giảm từ 46% xuống 37% trong gỉai đoạn 1870 -1914. London có 1,12 triệu dân vào đầu thế kỉ XIX, đến năm 1901 tăng lên 6,59 triệu người. New York, năm 1870 có 1 triệu người tăng lên 5,6 triệu năm 1920.
Nông nghiệp bị lấy đi kiệt sức. Mặc dù được cơ giới hóa, thủy lợi hóa và hóa học hóa nhưng ở hầu hết các nước Anh, Đức, Thụy Điển, Mĩ, Nhật Bản,... nông nghiệp đều suy thoái, thiếu lương thực nghiêm trọng. Trong giai đoạn 1900-1939, 80% lương thực thực phẩm xuất khẩu của Đài Loan được đưa sang Nhật Bản, khoảng 60% tiêu dùng ở Anh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Sụ suy sụp của nông nghiệp ở các nước công nghiệp hóa trước được bù đắp bằng mồ hôi nuớc mắt của lao động nô lệ và bóc lột thuộc địa.
Sức hút khủng khiếp về vật liệu, năng lượng đã phá hết rừng nguyên sinh ở Anh, Pháp, Đức và cả châu Âu. Mỏ than và các loại khoáng sản bị khai thác khắp nơi. Sinh thái bị tàn phá và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thiên tai và bệnh tật lan tràn. Nhưng sự bùng nổ đáng sợ nhất là mâu thuẫn chính trị, xã hội. Sự bóc lột nhóm người này đem lại giàu có cho nhóm người kia đã biến châu Âu trong suốt giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa trở thành nơi khởi điểm của nhiều cuộc cách mạng xã hội, hai cuộc chiến tranh thế giới, là nơi khởi đầu của nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế.
Các đại biểu dự Hội nghị quốc tế về nông nghiệp tại Hà Nội, ngày 13 - 15/10/2011. TS Đặng Kim Sơn - người thứ nhất, hàng thứ nhất từ trái sang. (Ảnh AGROINFO)
 
Sự hi sinh của nông dân suốt quá trình công nghiệp đã trở thành món nợ chính trị đến ngày nay. Tuy nông nghiệp và dân cư nông thôn chỉ chiếm tỉ lệ vài ba phần trăm trong GDP và tổng dân số nhưng nông dân đã trở lực lượng chính trị có tiếng nói đặc biệt quan trọng trong xã hội công nghiệp. Các nước giàu ngày nay tuy viện trợ cho các nước nghèo nhưng vẫn lúng túng bảo hộ mậu dịch và trợ cấp chính phủ để ngăn chặn các nước nghèo bán nông sản sang. Các vòng đàm phán WTO về nông nghiệp sau hàng chục năm vẫn tắc tị.
Sau thế chiến lần thứ hai, một loạt quốc gia giành được độc lập và các nước này lập tức lao vào làn sóng công nghiệp hóa mới, định về đích trong thời gian ngắn hơn, với điều kiện "hạn hẹp" hơn: không bóc lột thuộc địa, không khai thác lao động nô lệ, không làm cạn kiệt thiên nhiên, không vô sản hóa nông dân nhỏ,... Muốn vậy, các nước đi sau huy động những lợi thế mới như vốn đầu tư phong phú, khoa học công nghệ phát triển,...
Điều đáng nói là, bên cạnh những lời tuyên bố đẹp đẽ, dù ở nước theo chủ trương kinh tế kế hoạch hay nước theo kinh tế thị trường, một lần nữa nông nghiệp, nông thôn vẫn được chọn để hi sinh vô điều kiện cho sự phát triển của công nghiệp và đô thị. Và vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân lại chuyển từ phạm vi kinh tế sang chính trị.
TS Đặng Kim Sơn - Người nặng lòng với nông nghiệp - nông thôn - nông dân. (Ảnh: AGROINFO)
Khoảng cách lớn
Tại các nước châu Mĩ Latin, chế độ trang trại sở hữu đất đai lớn duy trì sự chênh lệch sở hữu đất đai. Công nghiệp phát triển hướng về hàng hóa thay thế nhập khẩu đã dẫn đến chính sách bảo hộ mậu dịch góp phần làm tách rời công nghiệp và nông nghiệp. Công nghiệp và đô thị tăng trưởng nhanh bỏ lại nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy lao động và dân nông thôn di cư ra những thành phố khổng lồ bị ô nhiễm và nghẽn tắc giao thông.
Chính sách kinh tế thất bại gắn với đảo lộn chính trị. Phát triển công nghiệp thất bại tiếp nối bằng cuộc cải cách nông nghiệp cùng chẳng thành công ở Chile, Peru, Ecuador, Columbia vào những năm 1960 - 1970 và Nicaragua, Elsalvador vào những năm I970 - 1980. Các cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân chủ trong thập kỉ 1960 rồi bầu cử tự do lại thay thế các chính thể quân sự giai đoạn 1980 - 1990. Năm 2006, 10 nước bầu cử thì 7 nước lãnh đạo cánh lả lén cầm quyền cộng với 6 nước cánh tả đã nắm chính quyền từ trước, 70 triệu dân và 80% diện tích của lục địa đã về tay cánh tả.
Nhưng xu hướng ở châu Mĩ Latin ngày nay không xuất phát từ niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa xã hội như ở các nước khối Liên Xô trước kia mà bắt nguồn từ sự thất vọng sâu sắc của đa số cử tri nghèo sau 20 năm thực hiện không thành công mô hình "kinh tế thị trường cổ điển" dưới sức ép của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (tự do hóa thương mại, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, xây dựng khối thị trường tự do trong khu vực...)
Sau 15 năm tưởng đã cất cánh công nghiệp hóa, các quốc gia châu Mĩ Latin hai lần (1980,1995) rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Kinh tế sa sút, nợ nước ngoài chồng chất, tỉ lệ thất nghiệp cao, nhân dân nhất là các tầng lớp nghèo bắt mãn. Trong tổng số 550 triệu dân châu Mĩ Latin có đến 40 triệu người sống với mức dưới 2 USD/ngày, vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân chưa có lối ra.
Nhóm các nước Nam Á khởi đầu công nghiệp hóa khó khăn hơn. Xuất phát từ một nền kinh tế tiểu nông, ít đồn điền trang trại lớn và không có dầu mỏ, các thể chế quản lí và điều hành xã hội ít quan tâm đến quyền lợi số đông người nghèo. Xã hội phân biệt tôn giáo, giới tính và sắc tộc. Mặc dù, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng mạnh nhờ "cách mạng xanh”, cũng giống như Nam Mĩ, Nam Á cải cách ruộng đất không thành công và cũng áp dụng chiến lược phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu.
Kết quả công nghiệp hóa của các nước Nam Á còn tệ hại hơn các nước Nam Mĩ. Nền kinh tế bị chia cắt thành hai phần, một bên là các đô thị lớn với công nghiệp phát triển và phải gánh chịu số dân di cư to lớn từ nông thôn đổ về. 20% người giàu chiếm gần 40% thu nhập của cả vùng, còn 20% người nghèo chỉ chiếm dưới 10%. Số người nghèo tuyệt đối tăng từ 270 triệu người năm 1960 lên 515 triệu người năm 1995, 60 đến 70% dân số sống ở nông thôn nhưng mức thu nhập thực tế liên tục giảm từ năm 1980 - 1995. Môi trường bị phá hoại nghiêm trọng, tỉ lệ diện tích rừng mỗi năm mất đi 3%, thiên tai diễn ra thường xuyên. Mâu thuẫn xã hội gay gắt dẫn đến xung đột vũ trang, mâu thuẫn sắc tộc vi các yêu sách li khai lãnh thổ. Các yếu kém trong phát triển nông nghiệp và nông thôn không chỉ cản trở phát triển kinh tế mà thực sự là nguyên nhân chính của tình trạng bắt ổn chỉnh trị ở nhiều quốc gia.
Tại Đông Nam Á, trừ Philippines, quá trình cải cách ruộng đất diễn ra khá thành công, sản xuất nông nghiệp tiểu nông khá phát triển, công nghiệp hướng tới xuất khẩu, nhờ đó kinh tế tăng trưởng khá tốt. Malaysia suốt từ năm 1969 cho đến 1995 đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 7,5% (trừ hai năm 1984 1986). Indonesia suốt ba thập kỉ 1967-1996 tăng trưởng trung bình 6,8%/năm. Thái Lan trong bốn thập kỉ tăng trưởng 7,6%/năm. Nhiều người đã gọi các quốc gia này là những con hổ chuẩn bị công nghiệp hóa. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997 đã đẩy các nước này lùi lại một bước. Nhiều chính quyền Đông Nam Á phải thay đổi.
Trong biến chuyển từ kinh tế sang chính trị, nhân tố nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng. Ví dụ ở vùng miền Nam Thái Lan, nông nghiệp và nông thôn không được chú ý phát triển so với các địa phương khác. Mâu thuẫn về cách biệt mức sống và quyền lợi cộng với sự đồng hóa nền văn hóa Hồi giáo nói tiếng Malaysia đã chuyển thành mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc, thổi bùng ngọn lửa bạo động li khai. Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đưa ra các chính sách xoá đói giảm nghèo và phát triển nông thôn và giành được sự hậu thuẫn đông đảo của nông dân toàn quốc nhưng lại tạo ra sự bất bình của tầng lớp thị dân và doanh nhân. Cuộc đảo chính năm ngoái xảy ra ngản chặn được cuộc bầu cử mà số đông cử tri nông thôn có thể sẽ ủng hộ Thaksin, nhưng câu hỏi về chia rẽ quyền lợi giữa nông thôn, nông dân và công nghiệp, đô thị ở Thái Lan vẫn còn đó.
Cả thế giới hôm nay đang nhìn về Trung Quốc. Gần 30 năm qua, mức tăng trưởng GDP xấp xỉ 10% tạo nên mức giảm nghèo kinh ngạc và giải quyết an ninh lương thực mẫu mực. Tuy nhiên, khi tăng tốc công nghiệp hóa, thì nông thôn trở thành gánh nặng phải xử lí. Năm 2001, thu nhập cư dân đô thị gấp 2,9 lần cư dân nông thôn, đến năm 2006, mức chênh này là 3,3 lần. Chỉ có 13 triệu trong 800 triệu dân nông thôn được trợ giúp tối thiểu về an sinh xã hội. Khoảng 100-150 triệu lao động nông thôn rời ruộng đồng ra thành phố làm việc. Họ làm việc cực nhọc mà gia đình không được hưởng quyền lợi y tế, giáo dục, văn hóa,... Trung Quốc đứng đầu thế giới về chênh lệch giàu nghèo. 10% dân số giàu có nhất sở hữu tới 40% tổng lượng tài sản cá nhân, trong khi 10% dân số nghèo nhất chiếm chưa tới 2%.
Trung Quốc, ô nhiễm không khí và nguồn nước nhất thế giới, có tới 16 thành phố/20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống thiếu hụt, 70% sông ngòi bị ô nhiễm. Từ các đô thị, 20% luợng nước thải, 150 triệu tấn rác được thải tự do về các vùng nông thôn. Tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất nghiêm trọng.
Sự khác biệt về kinh tế, căng thẳng môi trường tất dẫn đến mâu thuẫn xã hội. Mặc dù tránh đưa tin chính thức về các vụ chống đối, phá phách của nông dân nhưng tình hình khiếu kiện, biểu tình phản đối lấy đất, chống lạm thu, chống tham nhũng, chống gánh nặng thuế khóa, đòi thanh toán lương và trợ cấp hưu, thời gian qua rất nghiêm trọng... Các vụ bất ổn xã hội ở Trung Quốc năm 1993 là dưới 10 nghìn vụ, năm 2003 tăng lên 6-7 lần, đến nay gấp 8-9 lần, trung bình 200 vụ/ngày.
Một khi vấn đề "tam nông" chuyển từ kinh tế - kĩ thuật sang chính trị - xã hôi, nông nghiệp - nông dân - nông thôn trở thành tiêu điểm của các diễn đàn chính sách. Năm 2006, ở Trung Quốc, GDP nông nghiệp chỉ còn chiếm 12,5% tổng GDP kinh tế, và mỗi năm, chính phủ vừa chấm dứt mọi khoản thuế, phí vừa phải trợ cấp cho nông nghiệp, nông dân 30-40 ti USD.
Một góc nhìn của trí thức - NXB Tri Thức, 2011
Bài học: Phải bảo vệ quyền lợi của nông dân
Trong đa số các tấm gương thất bại của làn sóng công nghiệp hóa mới, nổi lên hai trường hợp thành công hiếm hoi của Đài Loan và Hàn Quốc.
Hàn Quốc công nghiệp hóa trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Nghèo tài nguyên, bất thuận khí hậu, chiến tranh phá huỷ hoàn toàn kinh tế và môi trường. Hàn Quốc đi lên công nghiệp hóa khi bên trong không có tích lũy vì sức dân kiệt quệ, bên ngoài không có đầu tư trực tiếp vì chẳng nước nào tin, và vẫn phải duy trì chi phí quốc phòng cao. Thập kỉ 50 đến tận đầu thập kỉ 60, GDP chỉ tăng 3,7%/năm, thu nhập bình quân đầu người 67 - 87 USD. Nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính với hơn hai phần ba dân số sống ở nông thôn.
Từ những năm 60 đến 70, trong hoàn cảnh nông nghiệp không có lợi thế, 94% vốn đầu tư tích lũy phát triển kinh tế phải vay nước ngoài theo kiểu ăn đong 2 tỉ USD/năm, (60% là do tư nhân vay thương mại, 28% là do Chính phủ vay phát triển hạ tầng cơ sở). Hàn Quốc chấp nhận một chiến lược kinh tế mà hầu hết các chuyên gia kinh tế lúc đó cũng như ngày nay đều cho là "quá mạo hiểm", đó là: ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sau khi đã thành công phát triển công nghiệp mới quay lại phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phải công nghiệp hóa thành công trong thời gian ngắn nhất.
Sau hai kế hoạch 5 năm, nhờ quyết sách chiến lược đúng đắn như phát triển tài nguyên con người, tập trung nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, công nghiệp hướng vào xuất khẩu, đầu tư kết cấu hạ tầng tiết kiệm và hiệu quả. Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 10 năm là 9/3%, trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của thế giới chỉ là 5%. Hàn Quốc làm được điều kì diệu, trở thành một nước công nghiệp sau 30 năm công nghiệp hóa.
 
Sự thành công đó phải trả giá. Tại Hàn Quốc cuối thập kỉ 60, xuất hiện sự phân cách và đối lập giữa thành thị hiện đại và nông thôn lạc hậu. Rừng bị chặt phá khắp nơi, sự tăng trưởng bất cân đối trong nền kinh tế lên tới đỉnh điểm. Mâu thuẫn xã hội và môi trường đe dọa sự ổn định của quá trình công nghiệp hóa. Trong khi một phần nhỏ dân cư đô thị hang say học tập, cố gắng cạnh tranh làm giầu, quyết tâm đổi đời thì bộ phận nông dân vẫn sống trong cảnh nghèo nàn, bi quan và ỷ lại, lối thoát duy nhất là rời bỏ quê hương chạy về đô thị.
 
Trước tình hình nguy cấp, đầu thập kỉ 1970, sang kế hoạch 5 năm lần thứ ba, Chính phủ đầu tư trở lại khoảng 2 tỉ USD cho phát triển nông thôn. Khác với nhiều nước khác, Hàn Quốc chỉ dùng tiền nhà nước làm phương tiện thay đổi tâm lí thụ động, ỷ lại của nông dân. Mục tiêu của chính sách là tạo niềm tin cho nông dân để họ tự đứng lên tổ chức nhau lại hợp tác phát triển nông thôn theo cộng đồng.
 
Tại từng làng bản, các tổ chức cộng đồng được nông dân thành lập. Các lãnh đạo dân bầu dân chủ thực sự nắm quyền tổ chức mọi hoạt động phát triển, từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến tổ chức khuyến nông. Họ nắm tiền nhà nước và huy động dân cùng đầu tư xây dựng nông thôn. Lãnh đạo của nông dân tham gia các cuộc họp chính phủ. Tổng thống đi hết từng làng, bàn bạc và khuyến khích dân tự chủ. Nhân dân tổ chức đánh giá và công khai kết quả phong trào. Làng nào làm tốt mới được đầu tư tiếp.
 
Sau 30 năm thực hiện phong trào 'làng mới", những nông dân đói nghèo trở nên tự tin. Khu vực nông thôn trở thành xã hội năng động, có khả năng tự tích lũy, tự đầu tư, và nhờ đó mà có khả năng tự phát triển. Trong những năm 70, dự án Saemaul một mặt giữ chân và tạo thu nhập cho lượng lao động chân tay khổng lồ thừa ra từ sản xuất nông nghiệp, mặt khác đã nâng cao tay nghề và khả năng lãnh đạo, ý thức và phương thức làm việc của lao động nông thôn chuyển họ thành lực lượng lao động có đủ khả năng và tác phong hiện đại. Trong vòng 20 năm, tổng số người làm nghề nông giảm 50%.
 
Con đường của Đài Loan khác hẳn Hàn Quốc. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Đài Loan rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Thu nhập bình quân xuống dưới 200 USD/người, lạm phát cao, dân số tăng 3,5%/năm, đất nông nghiệp bình quân chỉ có 0,2 ha/nguời, thất nghiệp lên lới 50%. Năm 1950, rời Trung Quốc lục địa, số người theo chính phủ Quốc dân đảng tăng vọt, tạo thêm khó khăn cho Đài Loan.
 
Chính phủ Tưởng Giới Thạch học được bài học vô giá là muốn ổn định chính trị phải phát triển nông thôn, muốn giữ chính quyền phải bảo vệ quyền lợi nông dân. Khác với tất cả các nước công nghiệp hóa trước đây, Đài Loan kiên quyết cải cách ruộng đất, nhanh chóng tạo nên tầng lớp tiểu nông có đất, có vốn, có kiến thức. Học từ khẩu hiệu của Đảng Cộng sản "người cày có ruộng". Đài Loan đã vượt xa hơn, chủ động tổ chức nông dân nhỏ trong nông hội, thúc đẩy nông dân tự nguyện và dân chủ phát triển kinh tế hợp tác. Gần 100% tham gia các hợp tác xã hoạt động hiệu quả,
 
Nông hội là tổ chức của nông dân, bảo vệ quyền lợi và là đại biểu của nhân dân trong hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ban đầu, nông hội giúp nông dân tổ chức các trạm sơ chế sản phẩm nông nghiệp và khuyến nông, về sau, nông hội giúp doanh nghiệp nông thôn xuất khẩu nông sản chế biến, thiết kế nhãn hiệu và bao bì, thành lập trung tâm bao tiêu, tổ chức vận chuyển và tiêu thụ. Thông qua các bàn bạc, đóng góp chính sách với nhà nước, nông hội thực sự là cầu nối giữa Chính phủ và người nông dân, đại diện cho tiếng nói và bảo vệ quyền lợi nông dân. Nhà nước đầu tư cao cho nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật. Nông nghiệp Đài Loan tăng trưởng cao và ổn định, thập kỉ 50 khoảng 4,5%/năm, thập kỉ 60 lên 5,8%/năm, tạo đà mạnh cho công nghiệp hóa.
 
Một chính sách quan trọng khác là gắn bó công nghiệp đô thị với công nghiệp nông thôn. Đài Loan phát triển công nghiệp nông thôn và đưa công nghiệp lớn phân tán về nông thôn. Trọng tâm là công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động. Giai đoạn đầu, Chính phủ hướng sản xuất vào thị trường nội địa và thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Khi sức mua của nội địa trở nên bão hòa, họ chuyển sang chiến lược phát triển hướng ngoại, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu.
 
Thập kỉ 50, Đài Loan phát triển công nghiệp trải đều ở các vùng nông thôn, tận dụng lợi thế tính đa dạng hóa của nông sản, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản chế biến, từ các sản phẩm thô như đường, chuối, chè… sang các sản phẩm chế biến đóng hộp như nấm, dứa, mã thầy. Cuối thập kỉ 70 đầu 80, Đài Loan tập trung quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp tập trung vẫn ở địa bàn nông thôn, hướng mạnh sang các ngành công nghiệp nhẹ, hàng điện tử. Nông sản chế biến chỉ còn tập trung vào một vài mặt hàng có lợi thế như đồ hộp, thực phẩm đông lạnh.
 
Nhờ gắn công nghiệp với kinh tế nông thôn. Đài Loan thành công rực rỡ “nông bất li hương”, hút lao động ra khỏi các nghề nông, tăng thu nhập nông thôn. 1960-1970, lao động nông thôn làm nghề phi nông nghiệp tăng từ 35 lên 65%, lao động nông nghiệp giảm từ 45% xuống còn 29%. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị không đáng kể. Thập kỉ 60, công nghiệp nông thôn đã đóng góp 60% thu nhập nông thôn, tạo công ăn việc làm cho khoảng 20% 1ao động nông thôn, và đóng góp tới 60% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
 
Đài Loan thành công trong việc đưa công nghiệp về nông thôn nhờ hai yếu tố quan trọng: cơ sở hạ tầng và chất lượng lao động. Giáo dục nông thôn và đào tạo kĩ thuật hướng nghiệp đã có nền tảng từ khi còn là thuộc địa của Nhật, được Nhà nước tiếp tục ưu tiên phát triển. Năm 1970, tỉ lệ biết chữ đạt 90%, và hơn 2/3 dân số nông nghiệp Đài Loan có bằng cấp giáo dục chính thức. Đầu tư phát triển giáo dục mạnh tạo ra cho Đài Loan một lực lượng lao động được đào tạo tốt, có tay nghề, nắm bắt được khoa học kĩ thuật.
 
Trước đây, Nhật đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tập trung mạnh vào giao thông (đường sắt, đường bộ), hệ thống điện, viện nghiên cứu và chuyển giao kĩ thuật nông nghiệp. Năm 1908, tuyến đường sắt đầu tiên chạy dọc Đài Loan được xây dựng, nối các cảng và trung tâm công nghiệp quan trọng nhất, thúc đẩy liên kết nông thôn và thành thị. Chính phủ Đài Loan vẫn ưu tiên đầu tư đồng bộ mạng lưới quốc lộ, và đường nhánh nối các khu vực với nhau. Đến năm 1960, 70% các hộ nông dân đã có điện với giá điện bằng thành thị.
 
Điều kì diệu là trong sự thành công của công nghiệp hóa Đài Loan không có sự hi sinh môi trường và nông thôn, không có nạn di cư đến những thành phố lớn. Mức đồng đều từ thu nhập tại nông thôn cao. Giai đoạn 1950-1980, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người hằng năm đạt trên 12%. Đặt mục tiêu chính trị lên đầu cho vấn đề tam nông, Đài Loan đã thành công cả trong lĩnh vực kinh tế và môi trường.
 
Ba thế kỉ qua, 192 quốc gia độc lập trên thế giới cùng công nghiệp hóa mà chỉ có khoảng 34 nước tới đích với đầy hi sinh và mất mát. Nửa thế kỉ gần đây, các nước châu Mĩ Latin, Nam Á, Đông Nam Á, và cả Trung Quốc đổ bao công sức, nỗ lực, chịu đựng nhiều tổn thất mà không một quốc gia nào bước được lên hàng các nước phát triển (trừ một số ngoại lệ như Singapore là một thành bang nhỏ không có nông thôn). Không có sức mạnh nào, từ nguồn dầu mỏ trời cho đến khoa học công nghệ hiện đại hay đầu tư quốc tế to lớn thay thế được cho một cách đối xử với nông nghiệp nông thôn và nông dân hợp lí.
 
Bài học của Đài Loan và Hàn Quốc rất gần gũi với Việt Nam cả về địa lý và hoàn cảnh khi Việt Nam đang tăng tốc công nghiệp hóa. Với đóng góp của nông nghiệp trong tổng GDP chỉ 20% mà còn tới 70% dân số và lao động tắc lại nông thôn, từ mức thu nhập bình quân hiện nay dưới 800 USD/người, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam căn bản trở thành một nước công nghiệp là vô cùng khó khăn.
 
Chạy theo mục tiêu tăng trưởng vội bằng mọi giá thì "tam nông" sẽ trở thành quả tạ lớn phá tan quá trình cất cánh công nghiệp hóa, nhưng khôn khéo, hài hòa gắn công nghiệp với nông nghiệp, nông thôn với đô thị thì "tam nông" lại chuyển thành động lực tăng tốc đem lại cả thành công về chính trị, kinh tế và môi trường cho một đất nước Việt Nam bay lên.

TS Đặng Kim Sơn

Bài đã được đăng trên Tạp chí Tia sáng và in trong cuốn "Một góc nhìn của trí thức" do NXB Tri thức phát hành 2011, từ trang 89 đến trang 97).


Tin khác