Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất chính sách bù đắp thu nhập cho những hộ sản xuất lúa trong vùng lúa chuyên canh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (Nghiên cứu một số trường hợp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long)

01/01/2009

Phạm Bảo Dương

Tên đề tài: Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất chính sách bù đắp thu nhập cho những hộ sản xuất lúa trong vùng lúa chuyên canh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (Nghiên cứu một số trường hợp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long)
Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Bảo Dương
1. Mục tiêu nghiên cứu
- Luận giải cơ sở lý luận về chính sách bù đắp thu nhập cho hộ sản xuất lúa trong vùng quy hoạch sản xuất lúa chuyên canh
- Đánh giá thực trạng thu nhập của các hộ, trong đó có thu nhập từ sản xuất lúa và nhu cầu cần bù đắp thu nhập của hộ trồng lúa trong quy hoạch vùng sản xuất lúa chuyên canh
- Đề xuất các giải pháp, chính sách bù đắp/cải thiện thu nhập trực tiếp cho các hộ trồng lúa trong các vùng quy hoạch SX lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu tài liệu thứ cấp: Tổng quan tài liệu các vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực, đặc biệt là lúa gạo, nói riêng.
Nghiên cứu khảo sát thực địa: Nghiên cứu chọn tỉnh Long An làm địa bàn nghiên cứu thực địa và thực hiện khảo sát tại 04 xã thuộc 02 huyện được chọn dựa trên kết quả thảo luận của nhóm nghiên cứu và các chuyên gia, cán bộ quản lí tại địa phương nhằm đảm bảo tính đại diện tối đa cho kết quả khảo sát. Hoạt động khảo sát bao gồm phỏng vấn nông hộ trực tiếp, tổ chức các cuộc thảo luận nhóm cũng như thu thập các thông tin thứ cấp khác có liên quan. Mẫu khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên có định hướng (theo diện tích đất canh tác, mức độ giàu nghèo...) trong các xã đã chọn để phục vụ cho mục tiêu đã xác định của nghiên cứu.
- Phương pháp chuyên gia: Tham vấn các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đồng thời tổ chức hội thảo nhằm tham khảo ý kiến rộng rãi từ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý ngành nông nghiệp và PTNT.
3. Nội dung nghiên cứu
- Cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách bù đắp thu nhập cho hộ sản xuất lúa
- Thực trạng thu nhập của người trồng lúa vùng ĐBSCL
- Đề xuất chính sách, giải pháp bù đắp thu nhập cho hộ sản xuất lúa trong vùng quy hoạch sản xuất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực
4. Kết quả đạt được
Đề tài đã nghiên cứu tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây về bù đắp thu nhập cho hộ sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực.
Nghiên cứu một số chính sách liên quan đến sản xuất lúa gạo, đi sâu vào các chính sách bù đắp thu nhập cho hộ sản xuất lúa vùng chuyên canh.
Phân tích thực trạng thu nhập của hộ sản xuất lúa vùng ĐBSCL để đánh giá sự cần thiết phải bù đắp thu nhập cho hộ sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực:
- Hiệu quả sản xuất lúa của nước ta còn ở mức thấp, quy mô sản xuất trên từng đơn vị sản xuất chưa phù hợp làm giảm lợi thế theo quy mô của sản xuất, việc ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật chưa tốt do nhiều nguyên nhân, trình độ lao động còn tương đối thấp, cơ cấu lực lượng sản xuất chưa hợp lí, mức độ phụ thuộc vào thiên nhiên còn cao là những vấn đề chính cần quan tâm. Tất cả các vấn đề được nhắc đến ở đây đều góp phần trong việc làm cho thu nhập của người sản xuất lúa chưa được như mong muốn và đang tạo ra nguy cơ giảm diện tích sản xuất lúa ảnh hưởng đến an ninh lương thực
- Trong bối cảnh như vậy, giải pháp chính sách bù đắp thu nhập cho các hộ gia đình trồng lúa trong các vùng chuyên canh là đúng đắn và kịp thời trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với các cam kết thương mại rõ ràng của Việt Nam với phần còn lại của thế giới, các chính sách hỗ trợ cần được xây dựng và ban hành một cách hợp lí để tránh bóp méo thị trường, vi phạm các cam kết đã kí và gây phản tác dụng đối với sự phát triển bền vững của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Mặt khác, các chính sách này cũng nên được nghiên cứu và xây dựng sao cho ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam sẽ tự đứng vững và phát triển mạnh, bền vững trong dài hạn mà không cần tới các trợ cấp thường xuyên của Chính phủ nữa. Đó mới chính là mục tiêu thực sự của chính sách này - giúp ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam tự khẳng định được mình trên trường quốc tế xứng với tầm cỡ của nó với những lợi thế cạnh tranh rất rõ ràng do thiên nhiên mang lại.
 

Tin khác